Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”
EmailPrintAa
17:15 15/09/2014

Chủ tịch Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam. Cả cuộc đời Người hết lòng phục vụ giai cấp, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” chúng ta tự soi minh và ngẫm lại lời dạy của Người để sửa mình.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957

 

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 ngày 14/5/2011 của Bộ chính trị về học tập học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 với chủ đề: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” là dịp để chúng ta cùng nhau phân tích, thực hành và làm theo tư tưởng của Người trong việc chỉnh sửa đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” tập hợp những bài giảng cho lớp thanh niên tiến bộ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam Người đã đề cao nội dung đạo đức của người chiến sỹ cách mạng. Người chỉ rõ: “Khi cách mạng thành công, Đảng lãnh đạo chính quyền, đảng viên có nhiều cơ hội, địa vị, quyền hành nên rất dễ sa vào những cám dỗ về vật chất và quyền lợi vì thế cần phải sữa chữa và tự răn mình. Hồ Chí Minh đã nhận ra bệnh “quan cách mạng” có thể phát triển để nhắc nhỡ cán bộ, đảng viên phải tránh các bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, hẹp hòi, quân phiệt, quan liêu, ham chuộng hình thức, làm việc bàn giấy xa rời nhân dân, bệnh kiêu ngạo tự mãn vô kỷ luật, ích kỷ, hũ hóa, “óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia” chỉ “lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con bằng hữu đặt vào chức này, việc kia”, rồi “không phê bình giúp nhau sữa đổi, mà che đậy cho nhau”, làm hỏng việc của đất nước, làm mất niềm tin của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, đảng viên là người vừa có tài vừa có đức, nhưng đức là cái gốc vì: “Trước mặt quần chúng không phải ta viết lên trán hai chữ “Cộng sản” mà ta được họ mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức”, “Muốn hướng dẫn quần chúng phải làm mực thước cho người ta bắt chước, hô hào nhân dân tiết kiệm thì mình phải tiết kiệm trước đã”. Từ đó chúng ta tự soi vào chính mình để thấy được việc nâng cao tình thần trách nhiệm, trong việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm tròn nhiệm vụ dân giao để xứng đáng với công bộc của nhân dân.

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” Người chỉ rõ “ thói quen và lạc hậu củng là do kẻ địch to, nó ngấm ngầm cản trở cách mạng tiến bộ” cho nên phải đổi mới, Người đề cập “kẻ thù thứ hai” là chủ nghĩa cá nhân mà Người cho là mẹ đẻ ra các thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên khi Đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mắc chủ nghĩa cá nhân thì “việc gì cũng nghĩ tới lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo cho mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình”. Khi đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân Người nói: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân”, “mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với tập thể thì không phải là xấu”

Khi nói về tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, tham địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập tiến bộ… Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp nhận đường lối của cách mạng, của nhân dân”

Đối với lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói thì phải làm, xây đi đôi với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Nói đi đôi với làm, nói là làm, nói ít làm nhiều đã hứa là phải làm là phẩm chất đạo đức của người cách mạng”. Theo Người, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động của mọi người và là biểu hiện sinh động, cụ thể giữa sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi con người. Để thực hiện được lời nói đi đôi với việc làm, nói là phải làm có nhận thức đúng đắn và quyết tâm vượt qua chính mình. Có nhận thức đúng nhưng không vượt qua được tính cá nhân ích kỷ sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, để nói đi đôi với làm cần có sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nếu không rèn luyện, ra sức phấn đấu thì khó có thể thành công được. Thước đo của việc nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc. Đối với cán bộ, đảng viên người lãnh đạo thì lời nói đi đôi với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo.

Nói đi đôi với làm là nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, dù khó khăn, phức tạp, hiểm nghèo cũng phải trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Theo Người, để nói đúng quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin. Hồ Chí Minh coi lý luận Mác - Lênin như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Nói đi đôi với làm là không được “Nói một đàng, làm một nẻo”. Theo Hồ Chí Minh, lời nói phải đi đôi với việc làm, nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Nói phải đi đôi với làm, nói trước, làm trước và đã nói là làm. Nói một đàng làm một nẻo là nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Hồ Chí Minh nói “Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Nếu khuyên mọi người phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng càng không được. Không hoàn thành nhiệm vụ, không gương mẫu, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Để chống việc nói một đằng làm một nẻo, khi nói phải gắn với công việc, nhiệm vụ cụ thể, không nói chung chung, đại khái dẫn đến chung chung ai cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết phải thực hiện như thế nào. Để chống nói mà không làm, nói một đàng làm một nẻo phải thường xuyên đi sâu, đi sát, tăng cường kiểm tra đôn đốc kết quả thực hiện công việc được giao để làm thước đo đánh giá nói và làm của cán bộ.

Ngẫm lại bài viết của Người liên hệ với thực tiễn chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn chúng ta vừa âu yếm với tình thương bao la, vừa nghiêm khắc với cháu con khi chưa làm được những điều Người dặn. Nghị quyết TW 4 (khóa XI) của BCH TW Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhõ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống…” Không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, Người chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm lòng tin của nhân dân, là một nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, liên tục trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Người đã chỉ rõ, Đảng muốn vững mạnh lãnh đạo được cách mạng, đảng phải có nhiều đảng viên tốt, nhiều cán bộ tốt. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn tự rèn luyện, học tập, không ngừng hoàn thiện về phẩm chất và nhân cách, thì nhất định điều tốt sẽ được nhân lên, những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm sẽ được ngăn chặn và khắc phục. Đảng ta giữ vững được danh hiệu cao quý mà truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân đã hun đúc lên “Đảng ta quang vinh chính đại”, “Đảng là đạo đức, là văn minh”, là “Hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”. Ngẫm lại lời dạy của Người chúng ta tự soi vào chính mình để không ngừng học tập nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực chống chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt phải làm gương cho nhân dân noi theo, nói phải đi đôi với làm mới xứng đáng là người lãnh đạo đất nước, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.

Đặng Hữu Trình


    Ý kiến bạn đọc