Một số nét khái quát về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013
EmailPrintAa
15:57 09/09/2014

Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp năm 2013 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận đồng thời thể hiện sâu sắc hơn bản chất dân chủ của chế độ, khẳng định chủ quyền nhân dân và bản chất nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; khẳng định và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân. Kế thừa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiều quy định quan trọng phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về việc bảo vệ quyền con người. Hiến pháp cũng xác định rõ hơn mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững đất nước; theo đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN,[1] các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Cùng với việc tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực,[2] Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên xác định rõ chủ thể thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp cùng với những thẩm quyền tương ứng, tạo cơ sở hiến định để tiếp tục thực hiện các cuộc cải cách về lập pháp, hành chính và tư pháp.[3] Hiến pháp năm 2013 cũng bổ sung các quy định mở đường cho việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập, quá trình đô thị hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ XHCN.

TS. Lê Thanh Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy

 

Hiến pháp là văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Để việc triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thống nhất, các cơ quan chức năng đã ban hành: Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 03/01/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai thi hành Hiến pháp; Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.

Ngày 22/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt những văn bản có liên quan của cấp trên; xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; quán triệt nội dung Hiến pháp tại các cấp; phổ biến tinh thần, ý nghĩa và nội dung của Hiến pháp trực tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh, biểu hiện lệch lạc, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng và Nhà nước; rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định mới của Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam; đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, ngoài việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong hệ thống chính trị và trong nhân dân, công việc cấp bách trước mắt là phải tổ chức rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các đạo luật và các văn bản dưới luật để những nội dung và tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 được cụ thể hóa một cách đầy đủ, đồng bộ và nhất quán  trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Đây là công việc đang được các cơ quan ở trung ương và địa phương tiến hành rất khẩn trương. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các cơ quan có thẩm quyền đang tập trung xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật về bầu cử để bảo đảm triển khai đầy đủ các quy định mới của Hiến pháp. Cụ thể, các cơ quan của Quốc hội đang xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội để phát huy đầy đủ và thực chất hơn nữa vị trí, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ đang xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ để thể hiện rõ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội, nhấn mạnh nhiệm vụ hoạch định, điều hành chính sách quốc gia của Chính phủ. Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đang xây dựng Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (mới) phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013; theo đó tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đề cao nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp và được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án. Tăng quyền năng tố tụng cho kiểm sát viên thực hành quyền công tố, gắn công tố với điều tra nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Các cơ quan của Chính phủ cũng đang tích cực xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương thay thế cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 theo hướng đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm “cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.[4] Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương, khắc phục căn bản tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay. Ngoài ra, các đạo luật về bầu cử cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm tốt hơn quyền bầu cử của công dân, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự vận hành của thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia theo tinh thần quy định tại Điều 117 Hiến pháp năm 2013.

Ngoài các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật về bầu cử, theo kế hoạch của Chính phủ, khoảng 70 đạo luật thuộc các lĩnh vực bảo vệ quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong giai đoạn từ nay tới 2020. Trong số đó, phải kể tới Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật ngân sách nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đạo luật về thuế, các đạo luật về quyền dân chủ của công dân, các đạo luật về quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong bối cảnh phát huy dân chủ, xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, thực hiện tinh thần các quy định của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật có liên quan về quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được thiết kế theo tinh thần xác định rõ và phù hợp hơn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và trong quản lý xã hội. Nhà nước tập trung làm tốt chức năng kiến tạo phát triển với sứ mệnh phục vụ nhân dân, thực hiện tốt việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công, kiểm soát chặt chẽ và bảo đảm hiệu quả khi doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Nhà nước không làm thay dân mà tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp, tạo sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước. Nhà nước chủ động, tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hiến pháp năm 2013 là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn công phu, thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ sâu sắc, phúc đáp yêu cầu phát triển trong bối cảnh mở cửa, hội nhập sâu rộng, là một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến nước nhà. Việc nghiêm túc triển khai thi hành Hiến pháp để Việt Nam sớm hoàn thiện và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, kiện toàn bộ máy nhà nước sẽ là động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

L.T.L


[1] Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013.

[2]Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

[3]Điều 69, 94 và 102 Hiến pháp năm 2013.

[4]Khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013.


    Ý kiến bạn đọc