Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, trước khi đi xa đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản vô cùng quý giá – Di chúc của Người.
Quan điểm vì con người và giải phóng con người
Trong Di chúc của Người, cái làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc là quan điểm vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.
Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Trong Di chúc, Người đã căn dặn phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh: Theo Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm. Người chỉ rõ: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh…
Thấm nhuần đạo lý truyền thống của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, sau nhiều năm liên tục đã ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc.
Người không chỉ quan tâm đến đời sống nhân dân, mà trên hết là chăm lo giáo dục, đào tạo họ, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người yêu cầu chúng ta sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Triết lý nhân sinh của Người là sự gắn kết giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam kết hợp với truyền thống nhân ái của nhân loại. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là lòng thương yêu, quý trọng con người gắn với lòng yêu nước, yêu dân nồng nàn. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc là chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản.
Sự quan tâm đến người cộng sản, đến Đảng.
Đây thực sự là nét độc đáo trong tư tưởng nhân văn của Người. Tháng 5/1968, khi soạn thảo Di chúc, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Quan tâm đến Đảng đầu tiên, hướng đến việc hoàn thiện công việc lãnh đạo của Đảng, Người đặc biệt nêu lên ý nghĩa nhân văn trong việc Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành với nhân dân.
Xã hội mới theo hướng lấy con người làm trung tâm ở nước ta trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lý tưởng của Đảng Cộng sản là chống áp bức, bóc lột, mang những giá trị chân chính của con người trả lại cho con người. Bản chất của xã hội lấy con người làm trung tâm hoà quyện và thống nhất với mục đích lý tưởng của Đảng. Với lý tưởng tiền tiến và đạo đức cao đẹp, nhân cách người cộng sản phải trở thành biểu tượng trung tâm của xã hội mới. Đó là những con người biết đặt lợi ích của Đảng của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, xã hội lấy con người làm trung tâm đòi hỏi trước hết: “Mỗi đảng viên là cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng là những người có văn hoá; phải xung phong gương mẫu làm trước thiên hạ và phải hưởng bổng lộc sau thiên hạ; cái gì lợi cho Đảng, cho dân thì khó mấy cũng làm, cái gì hại đến Đảng, đến dân thì kiên quyết chống lại.
Là người đầy tớ trung thành của nhân dân trong một xã hội nhân đạo thì những người lãnh đạo phải thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ lao động của mình. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải làm quan cách mạng” (Hồ Chí Minh, Sđd, t8, tr375).
Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta tiến hành công cuộc vận động xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ánh sáng của các tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc đang tiếp tục soi sáng các mục tiêu, những bước đường của nhân dân ta đi đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Biện Văn Khoa, Viện Nghiên cứu Khoa học - Xã hội
Tin mới cập nhật
- Một số nét khái quát về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 ( 09/09)
- Hà Tĩnh - 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 09/09)
- Tiếng vọng mùa thu ( 09/09)
- Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ( 09/09)
- Lý Tự Trọng sống mãi trong lý tưởng thanh niên ( 09/09)