Tiếng vọng mùa thu
EmailPrintAa
15:40 09/09/2014

Người ta nói mùa thu năm Ất Dậu 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam bởi những gì lớn lao đã làm rung chuyển chính thể thống trị và mở ra trang mới cho chế độ cộng hòa. Ở phương tây, Âu Mỹ thì thế kỷ 17, 18, các cuộc cách mạng tư sản đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Chế độ phong kiến đến lúc tàn lụi nhường chỗ cho nền cai trị tư sản. Trong khi đó, ở Việt Nam, đến giữa thế kỷ 20 vẫn là một xứ thuộc địa, nằm trong trong cõi Đông Dương thuộc Pháp. Hàng nghìn năm thống trị hà khắc của chế độ chuyên chế phong kiến và hơn 80 năm cướp bóc của thực dân đã đẩy hai mươi lăm triệu người Việt đến bước đường cùng, đến bờ vực thẳm của đen tối. Hơn 2 triệu người chết đói năm 1945 là số phận bi thảm của một dân tộc.

Kiếp người cơm vãi, cơm rơi

Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi

Nhưng cũng từ chân tường cuối cùng ấy, ánh sáng cách mạng bùng lên như tia chớp xé rách màn đêm. Đảng ta nắm bắt thời cơ vận hội của dân tộc khi đầu tháng 8/1945 Nhật đầu hàng đồng Minh để lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử. Luồng điện ấy bắt nguồn từ bản quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa phát đi từ Tân Trào. Nơi Bắc Hồ hiệu triệu toàn dân: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng khởi nghĩa dành chính quyền. Bởi thời điểm ấy là thời cơ có một không hai đối với vận mệnh dân tộc. Sự dồn nén của lịch sử đã tạo cho dòng điện ấy một năng lượng khổng lồ phóng từ cực Bắc đến Cà Mau. Chỉ trong vòng hơn tuần lễ, những gông cùm, xiềng xích bị giật tung. Dân Việt Nam làm cuộc đổi đời từ thân phận nô lệ nhược tiểu thành người chủ đất nước. Bằng chứng là tại cuộc hội ngộ ở Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. Khẳng định một nước Việt Nam mới. Một chính thể cộng hòa mới. Một tên nước mới trên bản đồ chính trị thế giới. Việt Nam thực sự là một nước tự do độc lập. Và dù còn non trẻ nhưng toàn thể dân tộc Việt Nam “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập tự do ấy”. Lời đanh thép ấy từ mùa thu lịch sử Ba Đình 69 năm về trước còn vang mãi đến hôm nay và muôn sau. Bởi đó là ý chí, là sức mạnh của một dân tộc có sức sống bền bỉ, chí quật cường và lòng tự tôn cao đẹp. Không khuất phục trước bất kỳ một thế lực nào đe dọa số phận của nước Việt thân yêu.

Bên biển Thái Bình Dương sóng vỗ

Dáng hiên ngang cờ đỏ sao vàng

Minh triết từng khẳng định: Sự vật ra đời trong hoàn cảnh điển hình thường tồn tại bền vững. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là hoàn cảnh điển hình. Thành quả của nó là hết sức bền vững.

Hữu Nhân


    Ý kiến bạn đọc