Đan nhai Hải Môn - Cửa Hội
EmailPrintAa
15:59 10/02/2015

Đan Nhai là tên cũ, nhưng cũng chưa phải là tên khai sinh của cửa Hội Thống, theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh thì các văn bản cổ đều ghi tên cửa biển này là Đơn Hay (hoặc Đan Hay). Đơn Hay là một từ nôm cổ, rất cổ mà nay không còn biết nghĩa của nó là gì nữa, rồi từ Đơn Hay các nhà Nho học đã Hán hóa thành Đan Nhai. Trong đó "đan" là màu đỏ, "nhai" là bờ bến .

Về màu đỏ (đan) của Đan Nhai có người cho rằng đó là màu đục ngầu của phù sa. Nhưng chắc không phải thế, trên hành trình hàng mấy trăm cây số, sông Cả, sông La đã ban tặng phù sa cho ngút ngàn đồng bằng nương bãi, dòng Lam khi về biển vẫn biêng biếc một màu xanh. Có người đã miêu tả "Tiếng là cuối nguồn mà sao nước sông trong trẻo lạ lùng"... Theo các nhà địa phương học thì những buổi chiều tà, thường có ráng chiều tím đỏ, thuyền chài rộn ràng cửa Hội, từ ngoài biển xa nhìn vào, ánh mặt trời chiếu chếch xuống mặt nước sóng vỗ dập dờn, làm phản chiếu lên một dải cửa sông thuyền buồm, sóng nước màu rực hồng rất đẹp. Bởi thế "Đan Nhai quy phàm" (buồm về cửa biển Đan nhai) được chọn là một trong tám cảnh đẹp của Nghi Xuân bát cảnh.

Đan Nhai - Cửa Hội nhận hai nguồn nước lớn, một nguồn từ các nhánh Nậm Mộ (Kỳ Sơn), Nậm Nơn (Quế Phong) hợp lưu tại ngả ba Cửa Rào thuộc phủ Tương xưa, huyện Tương Dương nay thành dòng sông Cả về xuôi. Một nguồn từ biên giới Việt Lào qua Thâm Nguyên giang - Ngàn Sâu, và từ Giăng Màn - Khai Trướng qua Ngàn Phố về Linh Cảm hợp lưu với nhau thành sông La, đến ngã ba Phủ La Giang đổ vào sông Cả, theo Lam Giang về cửa Hội.

Từ cửa biển vào đến Bến Thủy, làng mạc trải dài hai bên bờ hàng vài chục cây số, trong đó nhiều tên làng, tên đất đã hàng thế kỷ nay vẫn gắn với chữ "Đan" như: Cổ Đan, Đan Hải, Đan Trường, Đan Phổ, Đan Uyên..., có thể đều bắt đầu từ chữ gốc "Đan Nhai".

Xa xưa Đan Nhai - Cửa Hội là một thương cảng sầm uất, tàu thuyền các xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài, và các nước Trung Hoa, Nhật Bản... đến Việt Nam vào ra tấp nập. Tuy nhiên, dân gian vẫn truyền cho nhau câu ngạn ngữ: "Cửa Hội khó vào, Cửa Trào khó ra". Tiến sĩ Bùi Dương Lịch (trong Nghệ An ký) cho rằng "khó vào" vì cửa gần đảo Ngư nên ra vào có phần trắc trở. Sách "Nghi Xuân địa chí" còn ghi rõ hơn: "Gần giữa lòng sông có đá nhô ra, rất nguy hiểm. Thuyền Nhà nước và thuyền buôn người Tàu mỗi lần ra vào phải nhờ thuyền chài sở tại dẫn đường mới dám đi" (tr 66).

Ngày nay bằng các phương pháp khảo sát, đo đạc hiện đại, độ sâu luồng hàng hải cửa Hội - Bến Thủy đã được Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc xác định như sau:

Đoạn luồng từ phao số 0 đến phao số 8: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 60m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu đạt: -1,8m (âm một mét tám).

Đoạn luồng từ phao số 8 đến cảng Xuân Hải: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 60m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu đạt: - 3,2m (âm ba mét hai).

Đoạn luồng từ cảng Xuân Hải đến cảng Xăng dầu: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 50m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu đạt: - 3m (âm ba mét).

Đoạn luồng từ cảng Xăng dầu đến cảng Bến Thủy: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 50 m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu đạt: + 1,0m (dương một mét).

Về sự rộn ràng, nhộn nhịp của cửa Hội ngày xưa, sách "Nghi Xuân địa chí" chép: "Hàng năm, những tháng cuối xuân sang hè, trời nắng tạnh, các loại thuyền đánh cá lớn nhỏ cùng với các thuyền buôn từ Bắc đến, vào cửa sông có hàng mấy trăm lần chiếc. Buồm thuyền no gió, dập dờn qua lại hàng đàn. Chiếc như đi ra mà chính là vào, chiếc như rẽ trái mà kỳ thực là lách sang phải. Lớp vào trước đã vượt qua làn sóng, lớp đi sau còn lục tục nối theo, khác nào như đàn bướm vờn hoa, bầy cá đang dỡn nước, tiếng hò reo vang dội đôi bờ, thật là một thắng lãm hiếm có" (tr.66, 67, sđd).

Tiến sĩ Dương Thúc Hạp (1835 - 1920) khi qua đây đã cảm tác:

"Tàu buôn nam bắc xuôi rồi ngược

Thuyền cá hôm mai ra lại vào"

(Hội Hải - Võ Hồng Huy dịch).

Song Ngư - Nguyễn Tất Minh thì ca ngợi:

"...Nước xanh xanh dòng bể Quế sông Lam

Tựa đàn bướm cánh buồm bay lất phất".

Từ cửa biển Đan Nhai, chếch về phía bắc là đảo Song Ngư, hình thù vừa giống như hai con cá lớn đang bơi lội đùa dỡn trên mặt sóng, nên được gọi là "Song ngư hý thủy", lại cũng vừa giống như hai con cá đang nhằm hướng bơi vào bờ nên cũng gọi là "Song ngư đáo địa".

Cảnh đẹp lạ kỳ ấy đã làm cho các nhà thơ lớn qua đây không ai không để lại cảm xúc, người nhiều có thể vài ba bài, người ít nhất cũng có vài câu cảm tác tâm đắc ghi lại dấu ấn trong thi phẩm của mình. Lê Thánh Tôn (1442 - 1497) vừa là vị minh quân vừa là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trên đất Nghi Xuân ông có ba bài thơ, trong đó đã có một bài dành riêng cho "Đảo Song Ngư" rồi, vậy mà khi viết về "Đan Nhai hải môn" lại vẫn phải nhắc lại một lần nữa cái ấn tượng thấp thoáng biếc xanh của Ngư Đảo:

Hy kỳ Tam tọa thanh u cảnh

Đoạn tịch Song Ngư thủy hý điêu

Thâm nghiêm Tam tọa thanh mà lặng

Thấp thoáng Song Ngư biếc lẫn xanh.

(Võ Hồng Huy phỏng dịch)

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) trong "Hạnh am thi cảo" thì lại thấy Hòn Ngư bồng bềnh như đang được nâng lên theo gió:

..."Phong cao Ngư đảo tịch dương phàm"

Gió nâng Ngư đảo cánh buồm chiều

(Thái Kim Đỉnh dịch)

Tiến sĩ Bùi Dương Lịch (1757 - 1827) thì thể hiện sự sửng sốt ngay khi hạ bút viết những dòng đầu vịnh đảo Song Ngư:

Sơn thế liên hành khóa vĩ hư

Dược như sinh lý hữu hà như

Thế núi đâm ngang vượt biển Đông

Như con cá dỡm đẹp vô cùng

(Mai Xuân Hải dịch).

Còn Dương Thúc Hạp thì quan sát kỹ hơn từ những hòn đá bên vách núi:

Lân giáp tranh bài tả hữu loan

Ẩn nhiên ngư dược hải trùng quan

(Hai bên mỏm núi đá lố xố ghép như vẩy cá; Tựa như đôi cá nhảy ngoài biển khơi).

Xa tít ngoài khơi xa là đảo Quỳnh Nhai. Sách Nghi Xuân địa chí chép: ..."Phía tây đảo nổi hẳn hai cụp núi đá, phía đông gọi cụp Nón, phía đông nam gọi cụp Nồm, cả hai cụp cùng đứng song song như đôi mắt vì vậy, gọi là đảo Mắt hay núi Mắt (Nhạn Sơn)". Trên núi Mắt còn có "động Tiên", "bàn cờ tiên", "giếng Tiên" nước rất trong và ngọt, thuyền buôn, thuyền câu thường qua đây dừng lấy nước... Đặc biệt "phía tây núi có khe Bộc Bố, nước từ đỉnh đổ xuống theo một dòng thẳng dài đến vài trăm trượng, như tấm lụa rủ từ trên xuống" (tr.50, sđd). Tiến sĩ Dương Thúc Hạp đã viết:

"Chót vót giữa biển trời

Đảo lồng với nước mây

Giếng dâng nguồn trong mát

Suối phun bọt trắng dày"...

(Quỳnh Nhai đảo - Võ Hồng Huy dịch)

Đứng từ cửa Hội nhìn ra biển xa sẽ thấy "Mênh mông biển cả như tận chân trời, Ngư Đảo, Quỳnh Nhai trải màu xanh biếc, như phượng cất cánh, rồng đùa bơi... Mùa hè, gió nồm thổi mạnh, sóng tung bọt trắng tung trời, hải đảo cứ như dập dờn lay động. Những cánh buồm xa xa bỗng nhiên mất hút. Ai mới nhìn thấy lần đầu, bất giác kêu to tưởng thuyền đã chìm mất. Nhưng nói chưa dứt, buồm lại đã dương lên, tỏ tỏ mờ mờ, thay đi đổi lại, quang cảnh cứ như thế" (tr.66, sđd).

Sau khi phóng tầm mắt ra biển xa thưởng ngoạn những cảnh đẹp mà cụ Bùi Dương Lịch cho là "Hỗn độn nằm ngoài ý hóa công" (Tạo hóa nan cùng hỗn độn sơ), hãy quay lại ngược dòng Thanh Long Giang (một tên gọi khác của sông này) du khách lại sẽ liên tiếp bắt gặp những thắng cảnh hiếm có.

Bên hữu ngạn, thuộc xã Hội Thống có bàu Vĩnh Tú. Bàu hình tròn, nằm giữa bãi cát bằng phẳng, rộng đến mươi mẫu, nước trong xanh không bao giờ cạn. Trong hồ sen mọc tự nhiên, hè đến sen nở rộ như đám rước đèn tỏa hương thơm ngào ngạt. Tương truyền ngày xưa bàu này thông với biển. Lê Thánh Tôn đã từng có thơ vịnh khi ghé qua đây.

Lần ngược dòng Lam là "Giang Đình Cổ Độ" (bến cũ Giang Đình). Bến Giang Đình đẹp vì ngoài có rừng bần chắn gió, trên bờ là những cây cổ thụ tỏa bóng sum suê, trên bộ dưới thuyền phong cảnh vừa hữu tình vừa rộn ràng tấp nập... Nguyễn Du mới đặt chân đến Giang Đình đã nhớ ngay đến cụ thân sinh của mình thuở trước:

Nhớ cụ ta khi cáo lão về

Mé sông này rộn ngựa cùng xe

(Thái Kim Đỉnh dịch).

Tiếp đến sẽ là "Quần Mộc Bình Sa" (rừng cây tụ hội trên bãi cát). Đó là bãi cát bồi bằng phẳng, viền quanh là rừng bần tươi xanh, trông như đang nổi bồng bềnh giữa dòng sông. Cứ chiều đến có hàng ngàn con cò trắng về đậu trên rừng bần trông như một rừng hoa trắng.

Giữa dòng sông cây cỏ mọc xanh rì

Làng Cồn Mộc không khác gì bồng đảo

(Nguyễn Tất Minh)

Nghe nói Quần Mộc ngày xưa có khi còn được chọn làm trường thi, một nơi an toàn dễ kiểm soát.

Ngược dòng không xa mấy nữa lại có "Cô Độc lâm lưu" (con nghé lẻ đàn bước xuống dòng nước). Sự tích kể lại hơi dài, nhưng đó là hình ngọn núi Cô Độc "Đứng xa ngắm tựa hình con nghé lội". Đó là con nghé lẻ đàn ra, mới bước được hai chân trước xuống sông thì hóa đá để sau này thành "Cô Độc lâm lưu" .v.v..

Trước khi hòa mình vào biển lớn Thanh Long Giang đã để lại ban tặng cho vùng đất Đan Nhai cổ kính này những giá trị văn hóa vật thể tuyệt vời để cho người đời sau vui mừng, tự hào gom lại thành "Nghi Xuân bát cảnh".

Người xưa cho rằng từ cửa Hội đi về hướng nào, nhìn về phía nào cũng đều có thể bắt gặp nhiều cảnh đẹp:

Nam vọng Hồng Sơn thương thúy ngoại

Đông chiêm Yến Lĩnh thủy vân gian

Non Hồng trong ấy xanh chen biếc

Hòn Én ngoài kia nước vổ mây.

(Võ Hồng Huy dịch)

Đan Nhai - Cửa Hội để lại trong lòng người dân bản địa và du khách gần xa những ấn tượng tốt đẹp và những tình cảm không thể phai mờ ngoài những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ còn vì những sự kiện lịch sử thiêng liêng, đầy ý nghĩa qua các thời đại đã diễn ra ở đây.

Từ buổi đầu dựng nước phải đi tìm đất đóng đô, Kinh Dương Vương vị vua khai sáng ra triều Hùng đã cho ngự thuyền vào cửa Đan Nhai, rẽ nước ngược Thanh long Giang. Chính chuyến đi này Kinh Dương Vương đã gặp được mỹ nữ Thần Long ngọc ngà và cuộc hội ngộ thần tiên ấy đã giúp Kinh Dương Vương tìm ra đất định Hoàng thành, một nơi mà núi dăng nên lũy, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu..., địa bàn hiểm trở, tiến có thể công, thoái có thể thủ, đó chính là kinh đô Ngàn Hống mà dấu tích còn để lại đến ngày nay. Và cũng chính mối duyên kỳ ngộ ấy mà về sau Kinh Dương Vương và Thần Long đã sinh ra Long Vương - Vua Hùng Vương thứ nhất.

Ngày xưa khi nước ta mới có từ Hoành Sơn (có thời kỳ là Nam Giới) trở ra thì Đan Nhai hải môn là cửa biển lớn phía nam của đất nước. Nơi phải luôn đón đánh các thế lực phong kiến từ phương Nam ra lấn chiếm, từ phương Bắc tràn vào xâm lược, do đó hai bờ Đan Nhai, Thanh Long luôn là bãi chiến trường.

Trong thời Hùng - Thục, nhiều trận đánh lớn cũng đã xẩy ra ở đây. Thần phả làng An Duyên (Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) cho biết hai vị tướng của vua Hùng là Nguyễn Tuấn và Trần Khánh (người làng An Duyên) đã cầm quân chặn đánh thủy quân nhà Thục ở cửa Đan Nhai, bắt sống hai tướng giặc là Hùng Nã và Đà Gia.

Sách Thủy kinh chú chép: Đời Trần triều đình đã cho lập trấn Đan Nhai để đề phòng quân Lâm Ấp vào đánh phá; đặt tuần kiểm ty trông coi cửa biển Đan Nhai.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết: Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn xẩy ra bảy đợt kéo dài 45 năm (1627 - 1672), trong thời gian này hai bên có nhiều trận đánh nhau to ở Đan Nhai (Cửa Hội), Nam Giới (Cửa Sót). Quân Trịnh phải chia nhau đóng đồn lập phòng tuyến từ Nghĩa Liệt đến cửa Đan Nhai để phòng giữ...

Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, Đan Nhai hải môn không phải khi nào cũng lặng yên để cho "Thanh Long triều trướng thủy liên thiên" (biển và trời liên tiếp một màu xanh - thơ Lê Thánh Tôn) mà đã phải nhiều phen dậy sóng bảy nổi ba chìm. Bởi vậy lúc thái bình ngự thuyền qua cửa Đan Thai (Đan Nhai) thưởng ngoạn cảnh đẹp, Lê Thánh Tôn vẫn không quên nhắc nhở:

Đan Thai cửa bể triều dâng lạnh

Tuyên Nghĩa sườn non nắng trải vàng

...

Người xưa thử hỏi sao lầm lẫn ?

Lúc thái bình quên sửa việc quân.

(Thái Kim Đỉnh phỏng dịch)

Lê Văn Tùng


    Ý kiến bạn đọc