Kỳ Ninh là xã ven biển, cách trung tâm huyện Kỳ Anh 8 km về phía đông có diện tích 21,21km2. Theo Dư địa chí huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Ninh trước năm 1945 thuộc tổng Đậu Chữ, sau 3 lần tách nhập, đến nay, xã có 13 thôn. Không chỉ được biết đến là mảnh đất anh hùng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nổi tiếng với Đội du kích Hải Khẩu có thành tích xuất sắc trong việc đánh giặc bảo vệ xóm làng, nhiều lần đánh mìn diệt địch mà còn là mảnh đất hội tụ nhiều di tích, lễ hội dân gian. Từ tục thờ cúng đến các lễ hội dân gian đều mang đậm những nét đặc sắc của cư dân vùng biển.
Từ phong tục thờ cúng...
Theo sử sách ghi chép, Kỳ Anh nói chung, Kỳ Ninh nói riêng, nhân thần được thờ nhiều hơn thiên thần, thần tự nhiên. Thành hoàng làng phần lớn là nhân thần - đó là những người có công với làng, là nhân vật lịch sử có tên tuổi, sự tích rõ ràng chứ không phải là những vị thần do con người tưởng tượng ra, như Chế Thắng phu nhân Nguyễn Bích Châu, Sát hải tướng quân Hoàng Tá Thốn… nên tế lễ và phong tục ở đây gần gũi với đời sống, sinh hoạt tâm linh của nhân dân. Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu thường gọi là đền Thánh Mẫu (còn gọi là đền Bà Hải). Theo sử sách ghi lại, đền thờ bà Nguyễn Cơ Bích Châu - cung phi của vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377) được dựng khoảng cuối thế kỷ XV. Vốn hiểu biết, xinh đẹp, được kén vào hậu cung, Bích Châu được vua yêu quý. Triều đình suy kém, nàng khuyên vua thay đổi cách trị nước nhưng vua không nghe. Khi Vua Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, nàng can ngăn nhưng không được nên xin vua theo hầu, đến cửa bể Kỳ Hoa, sóng gió nổi lên cản trở chiến thuyền, nàng đã nhảy xuống biển hiến mình để cứu quân (quả nhiên sóng lặng, gió im) song lần ấy vua bại trận. Một thế kỷ sau, năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông qua cửa biển Kỳ Hoa đã tìm được thi hài nàng, vua sai làm lễ mai táng, lập đền thờ ở cửa biển và sắc phong thần có hai chữ “Chế thắng” nên đền được gọi là “Đền bà Chế thắng” (Chế thắng phu nhân từ). Dù không được chép ở chính sử mà là câu chuyện truyền thuyết nhưng việc một cung phi của vua Trần Duệ Tông chết ở cửa biển Kỳ Hoa là có thật. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng nhân dân, đền Chế thắng phu nhân từ ấy đến nay được sửa sang, trùng tu khang trang, to đẹp, trong đền có nhiều tự khí, hoành phi, đối liễn sơn son thiếp vàng do các trấn quan tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã cúng. Hàng năm, vào ngày mở hội, Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia này được nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự lễ đông đúc mang theo những tâm nguyện khác nhau.
Ngoài đền Chế thắng phu nhân, xã Hải Khẩu (Kẻ Khẩu) tổng Hoằng Lễ, huyện Kỳ Hoa, nay là xã Kỳ Ninh còn có đền thờ Sát hải tướng quân, miếu thờ Cá Ông, miếu Thánh mẫu Càn vương hay đại Càn... Sát Hải tướng quân là vị tướng đời Trần, tên là Hoàng Tá Tốn quê ở cửa Vích (Quỳnh Lưu) có công trong cuộc chống Nguyên Mông, trấn giữ mạn biển Nghệ An (Nghệ Tĩnh) được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, riêng ở Kỳ Anh, theo truyền thuyết, dân lập đền thờ biết ơn ông quan giữ cửa Khẩu báo việc bão tố bị giết oan. Ở Thuận Định (Kỳ Ninh) còn có miếu thờ thần cá - cá Voi mang đặc trưng riêng của cư dân vùng biển. Thường khi có bão tố, cá Voi thường tới ẩn bên mạn thuyền, giúp thuyền có chỗ dựa an toàn nên ngư dân thường coi cá voi là "cá thần"(nhân ngư). Ngư dân nào phát hiện đầu tiên xác cá chết dạt vào bờ là phải chịu đại tang, còn làng xã phải làm áo quan, tổ chức tống táng trọng thể và lập miếu thờ. Biết ơn các vị thần, hàng năm vào rằm tháng 6, làng đều tổ chức lễ tế Lục ngoạt. Trước khi đi vào tế, làng tổ chức rước Thần từ các đền, miếu trong xã về đình làng và tổ chức từng phần việc bài bản, nghiêm túc. Sau lễ tế, các trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra thu hút nhân dân toàn xã tham dự.
...Đến lễ hội dân gian
Vào ngày giỗ Thánh Mẫu (12/2 âm lịch) hàng năm, tại đền đều có tế lễ, dâng bánh chưng ngày tết và mở hội. Mỗi dịp tết Nguyên đán (trước ngày trọng lễ 1 tháng), việc gói bánh chưng tết là phong tục chung của mỗi người Việt Nam từ xưa đến nay, tuy nhiên đối với người Hải Khẩu việc gói bánh chưng lại mang một ý nghĩa thiêng liêng khác. Để có nguyên liệu làm bánh, làng chọn một đám ruộng tốt nhất ở vùng đất cao ráo rồi chọn người cày cấy giỏi, có tín nhiệm trong làng, giao cho cấy nếp, trồng đậu, thu hoạch và cất trữ cẩn thận. Trước lễ hội phải chọn người thành thạo, không có tang để xay, giã, gói, nấu bánh. Bánh chưng thờ có ba chiếc to, mỗi chiếc 5 kg gạo nếp và 1,5 kg đỗ làm nhân. Sáng 30, bánh bắt đầu được nấu cho đến mồng 1 để kịp cho làng làm lễ dâng bánh đúng giờ Thìn. Hội lễ tổ chức vào ngày giỗ Đức Thánh Mẫu. Tối 11/2 (âm lịch), có lễ tiên thường, cáo tế. Cỗ tế là “cỗ thục” (cổ chín), có xôi, thịt lợn và gà luộc. Suốt đêm chức sắc, hào lão chia nhau túc trực hương đèn. Một số trai tráng cũng được cắt cử ở lại đền để phục dịch. Sáng ngày 12/2 (âm lịch) là chính tế. Tế phẩm phải là con vật sống. Trước đây, dân làng thả một cặp bê trên rú Voong (Cao Vọng có nơi chép là Cao Vương - bên kia sông Vịnh ở xã Bình Lễ, nay thuộc xã Kỳ Lợi), lâu ngày đàn bò sinh sôi đông đúc, nhân dân coi đây là của Đức Thánh Mẫu nên không được ai bắt, giết, làm càn và cũng không thể đến gần vì bò sống hoang dã. Trước ngày tế, làng làm lễ xin một chén “nước thánh” sang núi bắt bò. Sau khi đổ chén nước thánh lên thân một con bò được coi là béo tốt nhất, bò ngoan ngoãn lội theo thuyền qua sông về đền. Bò vẫn đứng nguyên trên tấm ván trong suốt tế lễ cho đến khi tế xong làng mới đưa bò ra làm thịt. Sau buổi tế, làng rước linh vị ra bờ sông dự hội chèo bơi hầu Thánh Mẫu. Khi Thánh mẫu được rước ra đến nơi thì người dân đã ken kín cả bờ sông. Mỗi cuộc bơi thường có 3 thuyền dài, mỗi thuyền có 20 thủy thủ màu áo khác nhau và 2 người điều khiển (một ngồi đằng lái đánh mỏ, một đứng trước mũi phất cờ). Cờ mở, trống giong 3 hồi thì thuyền xuất phát, theo nhịp mỏ và mái chèo rắn chắc, thuyền cứ thế mà lao vút. Khi lễ hội kết thúc, làng lại rước linh vị Đức Thánh Mẫu trở về đền.
Bên cạnh tục dâng bánh chưng thờ Thánh Mẫu, sau lễ tế Lục ngoạt, làng Hải Khẩu (nay là Kỳ Ninh) tổ chức các cuộc vui cho toàn dân với các trò “đập cù” hầu Thần. “Đập cù” hay “phất cù” thường lựa chọn trái cù (cầu) gỗ tròn như quả bóng nhỏ và cây gậy đầu hơi cong. Để làm được trái cù tròn trĩnh, người làm phải rất tỉ mĩ, công phu. Người ta chọn các bãi đất bằng phẳng trước đình, đào hai hố nhỏ vừa đủ để trái cù lọt xuống. Dùng cây gậy điều khiển làm sao để trái cù lọt xuống hố của đối phương. Để có được trận cù hấp dẫn, các khâu chuẩn bị từ lựa chọn giám cù (trọng tài), luật lệ thi đến chia phe đấu đều được tiến hành chu đáo. Vào hội, các làng lựa chọn trai tráng khỏe mạnh chia thành phe, cử trưởng phe, số quân không hạn định nhưng phải ngang nhau. Giám cù được chọn là người công tâm, thạo chơi để chỉ huy đấu. Ba hồi trống đại nổi lên cũng là lúc hai phe ra sân bắt đầu trận đấu trước sự chứng kiến, cổ vũ của khán giả. Khi một phe gạt được trái cù xuống hố của phe kia sẽ là phe chiến thắng và giám cù đánh trống hồi kết. Hai phe cùng dân làng đứng nghiêm chỉnh làm lễ tạ Thần và rước Thần về miếu kết thúc cuộc chơi.
Ngoài lễ hội đền, lễ kỳ phúc lục ngoạt, làng còn có lễ cầu ngư, lễ thay khoán, tế thần cá Voi… Cùng với các nghi thức tế lễ, làng còn tổ chức phần hội phong phú, công phu như tục dâng bánh thờ tết, các trò chơi, các cuộc thi như bơi chèo, cướp cù, đập cù… đã tập hợp được đông đảo nam thanh nữ tú, già trẻ trong làng tham gia, cũng là món quà để “hầu thần”, “hầu thánh”. Dâng vật phẩm linh thiêng, gắn phần tế và phần hội, “rước thần đi”, “đón thần về” trước và sau nghi thức tế lễ chính là nét văn hóa đặc sắc của nhân dân vùng biển.
Trong thời kỳ hội nhập, một số trò chơi đã mai một và không được giữ lại nhiều do nếp sống, nếp sinh hoạt thay đổi song một số trò chơi vẫn được duy trì, phục dựng vào dịp tết đến xuân về. Đặc biệt, hàng năm vào ngày mở hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, nhân dân trong, ngoài vùng từ mọi miền đất nước đều tề tựu dự lễ rất đông, vừa vãn cảnh đền chùa vừa cầu an, cầu tài, cầu lộc, để mong một năm mới với nhiều thắng lợi mới.
Phan Hương
Tin mới cập nhật
- Đồng lòng, chung sức đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững ( 13/02)
- Truyền thống vẻ vang, Bài học quý giá ( 13/02)
- Một số nét về nguồn lực phát triển nhìn nhận từ khía cạnh xây dựng, hoàn thiện và thực hành thể chế ( 12/02)
- Xây dựng văn hóa trong Đảng - Bài học lớn Bác để lại cho chúng ta ( 12/02)
- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ( 12/02)
- Ngày xuân nghĩ về việc trồng rừng ở Hà Tĩnh ( 12/02)