Thành tựu mới bắt đầu từ tư duy đổi mới
EmailPrintAa
16:34 10/02/2015

Tích cực đổi mới để phát triển...

Năm 2014, toàn ngành Y tế đã có nhiều biện pháp tích cực, đổi mới để phát triển và hội nhập, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân tỉnh nhà.

Vấn đề đổi mới đầu tiên được lãnh đạo Ngành xác định đó là đổi mới trong công tác quản lý, điều hành theo Đề án 3713 của tỉnh. Ngành đã thực hiện quy trình quản lý, làm việc bảo đảm khoa học: có đầu việc, phân việc, thời hạn thực hiện và kiểm tra, đôn đốc; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời đổi mới công tác quản lý và sử dụng cán bộ.

Là tỉnh nằm trong top đầu của cả nước trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và là tỉnh đầu tiên có cấu trúc chính quyền điện tử. Vì vậy, lãnh đạo ngành luôn xác định ứng dụng CNTT có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành y tế, và đóng vai trò quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, quản lý, điều hành của cơ quan đơn vị. Trong năm 2014, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, quản lý điều hành qua văn phòng điện tử IO; duy trì và thực hiện có hiệu quả việc truy cập các hệ thống qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của Sở và các đơn vị trực thuộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các đơn vị.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường. Cùng với việc quán triệt các đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 33 của UBND tỉnh về việc xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ lực lượng vũ trang, Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 31 của UBND tỉnh về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc lễ hội... Ngành đã đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế Hà Tĩnh theo “ba xây, ba chống, ba biết”, trong đó chú trọng việc thực hiện 3 biết: biết tôn trọng bệnh nhân, nhân dân và đồng nghiệp; biết tuân thủ quy trình và biết nói lời cảm ơn. Thực hiện nghiêm Thông tư 07 về quy định thực hiện Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các đơn vị, cán bộ lãnh đạo chủ chốt và hướng dẫn các đơn vị định kỳ đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn của ngành; thực hiện nghiêm, kịp thời công tác thi đua khen thưởng và xử lý kỷ luật, đảm bảo minh bạch - kỷ cương- trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong tập thể.

Trong công tác khám chữa bệnh, ngành đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện xây dựng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y đức ở các tuyến. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng Đề án chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm bệnh viện giai đoạn 2015 - 2018; chỉ đạo Bệnh viên Đa khoa tỉnh xây dựng Đề án Tim mạch can thiệp - Ghép tạng và tổ chức thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh.

Đẩy mạnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật tại các bệnh viện bằng nhiều hình thức. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như: Bơm thuốc Surfactant trong điều trị trẻ sơ sinh non tháng; thay máu trẻ sơ sinh; phẫu thuật nội soi trong các lĩnh vực sản, ngoại khoa, chấn thương; thay khớp háng; mổ sọ não; dẫn lưu não thất; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng tim; thực hiện các kỹ thuật chuyên ngành Ung bướu... Tuyến huyện đã có 6/12 Bệnh viện thực hiện được phẫu thuật nội soi. Một số bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật vượt tuyến như: Bệnh viện Đức Thọ, Thành phố. Đặc biệt, ngành đã mời Bác sỹ Hoàng Anh Dũng - Chuyên gia ghép tạng hàng đầu Bỉ và Châu Âu về trực tiếp phẫu thuật và chuyển giao các kỹ thuật mới cho bệnh viện các tuyến.

Trong công tác dự phòng, ngành luôn chú trọng công tác phòng bệnh là chính. Chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giám sát dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng các dịch bệnh nguy hiểm, thường gặp: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...; chủ động ngăn ngừa kịp thời các dịch bệnh mới phát sinh nguy hiểm như: cúm AH5N1, cúm AH7N9, Ebola…Trong năm 2014, ngành đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng Sởi - Rubela an toàn cho 277.130 trẻ từ 01 - 14 tuổi đạt tỷ lệ 96.2 %.

Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh, hiện có hơn 100 trạm y tế được xây dựng 2 tng khang trang, 189/262 trạm y tế có bác sỹ. Tính đến hết năm 2014 có 171/262 trạm đạt tiêu chí quốc gia y tế, chiếm trên 60%, riêng huyện Vũ Quang 100% đạt tiêu chí quốc gia y tế.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được ngành triển khai sâu rộng gắn với xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, trọng tâm là 19 xã đăng kí hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2014. Ngành đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ xã Thạch Long (xã do ngành Y tế nhận đỡ đầu) hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới năm 2014, sớm hơn kế hoạch đề ra.

Năm 2014, được đánh giá là năm thành công của ngành y tế trong công tác dân số và bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau 3 năm, không đạt các chỉ tiêu về dân số, năm 2014 công tác dân số đã giảm được cả 3 chỉ tiêu: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính, tỷ lệ sinh con thứ 3. Công tác bảo đảm ATVSTP được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh đã tạo ra chuyển biến mới trong bảo đảm ATTP.

Trong quản lý Y dược tư nhân, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 16 ngày 10/6/2014 về tăng cường quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. Thực hiện Quy chế phối hợp với các địa phương để tăng cường quản lý, kiểm tra. Các dự án chương trình mục tiêu quốc gia được duy trì đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Những kết quả đạt được của ngành Y tế trong năm 2014 đã được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao, tạo tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới.

Tuy nhiên, ngành vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, thiếu cán bộ có trình độ cao, chuyên gia giỏi để phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày cang cao và đa dạng của nhân dân. Cơ sở vật chất các bệnh viện tuyến huyện tuy đã được cải tạo, sửa chữa và nâng cấp nhưng vẫn đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Trang thiết bị chỉ mới đáp ứng khoảng 50% so với yêu cầu phát triển kỹ thuật và danh mục quy định của Bộ Y tế; thiếu các loại thiết bị công nghệ cao phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và cấp cứu điều trị, nhất là các chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch can thiệp, Ngoại khoa, Chấn thương chỉnh hình... Nhiều bệnh viện thường xuyên quá tải như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện như Thành phố, Kỳ Anh, Hương Sơn, Đức Thọ. Cán bộ quản lý một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức, viên chức, bác sỹ vi phạm y đức, thiếu trách nhiệm, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân...

Để hội nhập và phát triển

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, sự tăng trưởng nhanh và hội nhập của nền kinh tế tỉnh nhà, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đặt ra những mục tiêu lớn để hội nhập và phát triển, đó là: Đạt tỷ lệ 7,4 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2015 và 8,5 bác sỹ vào năm 2020 đồng thời 90% xã, phường có bác sỹ; đạt 19,5 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2015 và năm 2020 là 22 giường bệnh/10.000 dân; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 13% vào năm 2020; đến năm 2020 có trên 80% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người bệnh làm trung tâm phát triển, tăng cường các lĩnh vực mũi nhọn về chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa, sản nhi, ung bướu, tim mạch can thiệp....

Để đạt được các mục tiêu đó, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến bệnh viện với phương châm đặt mục tiêu sức khỏe người bệnh lên trên hết, tăng cường phát huy quyền tự chủ của thủ trưởng các đơn vị gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Tiến tới người bệnh sẽ được quyền chọn lựa các cơ sở y tế với các thế mạnh chuyên môn phù hợp để khám chữa bệnh. Ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao y đức; học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế Hà Tĩnh với “baxây, ba chống, ba biết”. Quyết liệt trong đổi mới, nâng cao năng lực quản lý điều hành, cải cách hành chính; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, y tế dự phòng, chất lượng bệnh viện. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế: có chính sách đào tạo, thu hút nhân tài, quyết liệt đổi mới trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật; tranh thủ nguồn nhân lực là các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ con em quê hương Hà Tĩnh từ nước ngoài, các bệnh viện quốc tế, các bệnh viện Trung ương và trường đại học... giúp đỡ, đào tạo, chuyển giao… Tập trung phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn: Chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản, nhi, tim mạch can thiệp - ghép tạng, xét nghiệm... Tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hoá, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực. Tranh thủ, vận động các nguồn vốn để đầu tư và phát triển ngành Y tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin tưởng và hi vọng trong mùa xuân mới, ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

BS. Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế


    Ý kiến bạn đọc