Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm của toàn xã hội
EmailPrintAa
15:35 06/06/2016

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề bảo vệ môi trường lại được quan tâm như trong giai đoạn hiện nay, bởi trước yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường một số nơi đã và đang xuống cấp, đất đai bị xói mòn, thoái hóa; các nguồn nước bị suy giảm, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng v.v…

Bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là công việc của Đảng, Nhà nước, của một cơ quan hay tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó mọi đối tượng trong xã hội từ người già đến trẻ nhỏ, từ tổ chức đến cá nhân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều có quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này ghi nhận quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường của công dân, tạo cơ sở hiến định cho việc xác lập quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã có bước phát triển kinh tế - xã hội khá tốt: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai trên địa bàn như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa, Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, nhà máy nước Khu kinh tế Vũng Áng, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nhà máy Thủy điện Hương Sơn, nhà máy sản xuất cọc sợi Vinatex - Hồng Lĩnh, nhà máy bia Sài Gòn v.v.. Đây là thành công của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Xác định được điều đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường và một trong những giải pháp trọng tâm tiên quyết đó chính là huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới tận từng cơ quan, đơn vị, thôn xóm, người dân bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến cơ sở; tổ chức nhiều cuộc hội thảo hướng dẫn xử lý các vấn đề môi trường sau bão lụt, kỹ thuật xử lý nước sinh hoạt, hướng dẫn công tác môi trường trong xây dựng nông thôn mới Hưởng ứng và phát động nhiều hoạt động ra quân bảo vệ môi trường v.v…

Nhờ xác định đúng mục tiêu nên công tác môi trường của tỉnh đạt kết quả bước đầu quan trọng. Giai đoạn 2011 - 2015, Hà Tĩnh đã xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động 02 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ tiên tiến; đang triển khai xây dựng một nhà máy xử lý rác thải nguy hại; đã thành lập được 162 hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường - đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường. Các chất thải rắn trên địa bàn cơ bản đã được xử lý. Nhiều hoạt động thiết thực khác như trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh, xử lý môi trường sau lũ lụt, các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại các địa phương trong xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như: Sự phối hợp chưa kịp thời và thiếu chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác tuyên truyền dẫn tới kết quả đến với người dân chưa cao; Việc vận động các tầng lớp nhân dân học tập, nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự mang lại hiệu quả; Ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư; Chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích nhân dân, nhất là doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn nữa vào công tác bảo vệ môi trường như lĩnh vực xử lý, phục hồi các điểm ô nhiễm môi trường; Nguồn lực đầu tư cho công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường chưa tương xứng... Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh để lại vẫn chưa được xử lý triệt để; ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho các địa phương không chỉ ở khu vực đô thị mà cả nông thôn; Tình trạng ô nhiễm Asen trong nguồn nước sinh hoạt đang có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhất là vùng ven sông, ngoài đê, vùng thấp trũng; Đặc biệt vừa qua đã xảy ra sự cố môi trường gây nên hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt, gây nhức nhối dư luận cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng đối với công tác bảo vệ môi trường, giải quyết cơ bản những hạn chế, vướng mắc đã nêu trên, chúng ta cần quan tâm ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của môi trường sống và vai trò của mỗi một công dân trong công tác bảo vệ môi trường thông qua các hình thức trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, phát động các phong trào tình nguyện, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh tại các thôn, xóm, trên sóng truyền hình, qua báo chí v.v. Lấy việc tuyên truyền giáo dục làm trọng tâm để thay đổi căn bản nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân, để người dân hiểu được bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của chính mình. Việc tuyên truyền cần cụ thể, tránh chung chung; tuyên truyền bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực, đơn giản hàng ngày mà bất kì ai cũng làm được như: tiết kiệm điện, năng lượng, trồng cây xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định…

Thứ hai, tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác xã hội hóa môi trường (hỗ trợ phương tiện trang thiết bị cho các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường); khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các thiết bị xử lý môi trường, có biện pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường; Huy động các nguồn lực từ nhân dân đặc biệt là từ các doanh nghiệp để xây dựng hệ thống các điểm thu gom, xử lý rác, đầu tư trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tập trung xử lý các điểm nóng về môi trường như ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm do đường ống dẫn dầu sau chiến tranh; ô nhiễm Asen trong nguồn nước sinh hoạt; ô nhiễm trong chăn nuôi;  xử lý các cơ sở giết mổ, gia cầm, các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường...

Thứ tư, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường sống. Thực hiện tốt quy định toàn dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trao thưởng cho những cá nhân, tập thể tố giác các hành vi phá hoại, gây ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Để thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với việc chung tay góp sức của mỗi người dân, Hà Tĩnh sẽ thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Võ Tá Đinh

 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường


    Ý kiến bạn đọc