Gia đình - một thiết chế lâu đời và bền vững
EmailPrintAa
15:25 06/06/2016

Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, với biết bao biến cố thăng trầm, với những đổi thay của thể chế, tổ chức gia đình ở Việt Nam vẫn bảo lưu những nét đẹp của một thiết chế lâu đời và bền vững.

Nét đẹp lớn nhất của gia đình mà ai cũng nhận thấy, đó là mối quan hệ nghĩa tình trong gia đình: Gia đình một tổ chức dựa trên mối quan hệ nghĩa tình. Đây là một nét đặc trưng, một nét đẹp văn hóa mà có lẽ chỉ có ở một dân tộc hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước trường kỳ phải chịu cảnh thiếu thốn, khó khăn, chống chọi với nhiều kẻ thù con người (ngoại xâm) thiên tai và thú dữ. Có sống với nhau bằng nghĩa tình thì mới có câu ca dao mà hằng ngày bà thường ru cháu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Cha ông ta xưa không quan niệm về tình yêu tự do, lại khắt khe trong quan niệm về hôn nhân, gia đình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, gán ghép, tác hợp để dựng vợ gả chồng. Ấy vậy mà trải qua hàng nghìn năm, với biết bao thế hệ nối tiếp nhau, những chuẩn mực của gia đình như nền nếp gia phong, gia đình “tứ đại đồng đường” vẫn được hình thành, nâng niu, gìn giữ. Chẳng phải đó là xuất phát từ tình nghĩa hay sao? Nếu không có tình nghĩa với nhau, nếu coi cái tôi cá nhân là trên hết thì làm sao có vợ có chồng, sinh nòi đẻ giống, làm sao đất nước có những hiền tài. Cũng vì đề cao nghĩa tình trong gia đình mà cha ông ta coi trọng sự đồng thuận, sự tôn trọng nhau giữa vợ và chồng và coi đó là cơ sở vững bền để phát triển kinh tế, tạo dựng nền nếp, phép tắc: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Bên cạnh quan niệm về tình nghĩa, thủy chung, gia đình Việt Nam còn coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu tạo nên mối ràng buộc trong quan hệ cha (mẹ) - con. Con phải hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng, lễ phép và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ phải luôn phải mẫu mực, hiền từ.

Đối với mỗi người chúng ta, gia đình có vai trò rất quan trọng. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên luôn được nuôi dưỡng và bao bọc bởi cha mẹ, rộng hơn nữa là ông bà, cô bác, anh em ruột thịt. Cha mẹ đã có công nuôi dưỡng mỗi người nhưng cha mẹ cũng đã tác động lên mỗi người những ảnh hưởng lớn: từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đến các ứng xử văn hóa. Nếu ai đó đã từng nói, trẻ con như tờ giấy trắng, thì người đã đặt nét chữ đầu tiên lên tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy là cha mẹ. Khi sinh ra mỗi người là một con số không, nhờ cha mẹ mà biết ăn những thức ăn ngoài nhau thai, biết đi, biết nói, biết cười, rồi biết tư duy. Nói điều này, chúng tôi muốn cảnh tỉnh về lối suy nghĩ lầm lạc của nhiều bạn trẻ hiện nay, khi bị chèn ép từ phía xã hội, đặc biệt là sức mạnh của đồng tiền, đã quay trở lại oán thán cha mẹ mà quên mất rằng chính cha mẹ đã cho mình tất cả hôm nay. Không cha mẹ nào không dành những điều tốt nhất cho con và chỉ mong mỏi một điều duy nhất là con nên người. Bởi thế, thay vì trách móc cha mẹ, những lúc ấy, hãy bằng nỗ lực của mình để vượt qua khó khăn, vất vả và cố gắng vươn lên. Đó mới là ứng xử hợp với những giá trị mình được hưởng.

Trong quan niệm về gia đình, ở Việt Nam còn coi trọng mối quan hệ giữa các gia đình với nhau và cũng trên nguyên tắc tình nghĩa, sống có nghĩa có tình, tình làng nghĩa xóm. Không chỉ gần nhau về không gian sinh hoạt mà còn do đặc điểm sản xuất lúa nước nên các gia đình đã tự nhiên xích lại gần nhau. Cùng một đám ruộng ở một cánh đồng, từ khâu gieo vãi, chăm sóc, thu hoạch, các gia đình đều phải liên kết với nhau. Cùng nhau làm kênh mương dẫn nước, rồi lấy nước từ ruộng nhà này sang nhà khác mà không sợ ai thiệt ai hơn, rồi đắp đê ngăn lũ lụt, xây dựng các hồ đập chống hạn mùa khô, thậm chí những khi cần lao động để sản xuất cho kịp thời vụ, các gia đình còn đổi công cho nhau (“Người ta đi cấy lấy công”). Cùng hợp tác với nhau trong sản xuất, trong việc chống chọi thiên tai, thú giữ, nên người Việt Nam đã sớm sinh sống theo lối quần cư. Làng từ đó mà hình thành. Sau này làng trở thành các đơn vị hành chính. Từ mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình với nhau mà Đảng ta đã đề ra chủ trương rất phù hợp đó là xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng văn hóa, khối phố văn hóa.

 Trong thời đại ngày nay, khi nền kinh tế thị trường đang tác động lớn đến tâm lý của con người người, nhiều người đã đặt cái tôi hưởng lạc và thực dụng của mình lên trên hết, bỏ quên gia đình, người thân, xóm giềng, coi nhẹ các giá trị nhân văn truyền thống, thậm chí còn ngược đãi với cha mẹ, anh em. Đó là điều mà chúng ta phải cùng nhau lên án. Hãy quay về với gia đình, coi gia đình là trên hết, hãy sống tốt với những người thân trong gia đình, những người xung quanh. Nhận thức đúng giá trị văn hóa và bằng tình yêu thương chân thành đối với gia đình, suy đến cùng, đó là thực hành lòng yêu Tổ quốc.

Mạnh Hà


    Ý kiến bạn đọc