Phát huy vai trò phụ nữ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
15:29 06/06/2016

Phụ nữ chiếm trên 50% dân số, là lực lượng có vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Không có phụ nữ tham gia thì không một cuộc vận động cách mạng nào có thể thành công”.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, phụ nữ không chỉ giỏi việc nhà mà còn tích cực tham gia và gặt hái nhiều thành công rực rỡ trên các lĩnh vực xã hội. Trong gia đình phụ nữ là người tái tạo ra nòi giống, là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; là người có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Ngoài xã hội, phụ nữ là lực lượng đông đảo để sản xuất ra của cải vật chất cho nhân loại, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; là sợi dây gắn kết các giá trị văn hóa của nhân loại, góp phần quan trọng trong việc sáng tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo của con người tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển. Theo dòng chảy của thời gian và sự phát triển của nhân loại phụ nữ ngày càng được giải phóng ra khỏi những quan niệm của chế độ phong kiến lạc hậu. Vì vậy, đóng góp của phụ nữ cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội ngày càng lớn.

Trong những năm qua, Đảng ta đã có ban hành nhiều văn bản về công tác phụ nữ. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về công tác phụ nữ, trong thời gian qua các cấp ủy đảng trên địa bàn Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo công tác phụ nữ đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực như:

Tập trung nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức chính trị, pháp luật cho phụ nữ: Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thường xuyên tổ chức các cuộc học tập, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của các cấp Hội phụ nữ cho hội viên; Tổ chức cho phụ nữ tham gia các đợt sinh hoạt chính trị của đất nước, của Hội phụ nữ như: tổ chức cho các tầng lớp phụ nữ đóng góp ý kiến về văn kiện Đại hội Đảng các cấp, tham gia cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp; tổ chức các hội thi sân khấu hóa, hội thi hái hoa dân chủ về phong trào “3 không” (không ma túy mại dâm, không cờ bạc ăn tiền, không vi phạm an toàn giao thông), “bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình”, “kiến thức bố mẹ, sức khoẻ con”, tổ chức tập huấn về kiến thức sản xuất, kinh doanh. Triển khai  thực hiện đề án “giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đề án "Giáo dục năm triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" được 100% cơ sở Hội phụ nữ tham gia, 97% số hội viên tham gia học tập.

Trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội:Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức và đưa lại hiệu quả thiết thực. Từ các phong trào đó nhiều chị em phụ nữ đã được bồi dưỡng để bổ sung vào đội ngũ cán bộ cho Đảng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.500 cán bộ, công chức nữ công tác tại các cơ quan hành chính trong hệ thống chính trị. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp: cấp cơ sở 743/3.559 (20,88%); cấp huyện 82/502 (16,33% ); cấp tỉnh 5/55 (chiếm tỷ lệ 9,1%), 2/15 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ (chiếm tỷ lệ 13,1%). Bồi dưỡng, giới thiệu 862 phụ nữ ưu tú kết nạp Đảng. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng cao: cấp cơ sở có 826 chị chiếm 30,73%, cấp huyện có 53 chị chiếm 25,48%, cấp tỉnh có 6 chị chiếm 31,58%. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 20%; cấp huyện đạt 28.91% (tăng 2.56%); cấp xã đạt 22.8% (tăng 2.19%).

Trên lĩnh vực văn hóa, phụ nữ đóng góp rất quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cán bộ nữ chiếm 78% lực lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành. Với chức năng "Thay Đảng rèn người", chị em phụ nữ đã không ngừng nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa. Phụ nữ tham gia ngày càng chủ động, tích cực vào các hoạt động khoa học - công nghệ, say mê nghiên cứu, có nhiều công trình nghiên cứu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng vào sản xuất và hoạt động thực tiễn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở: Là người giữ vai trò chủ chốt trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúcvà phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, của quê hương. Trong năm 2015, Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” kết quả: có 185.005 hộ đạt tiêu chí không bạo lực gia đình, 205.941 hộ đạt tiêu chí không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, 203.995 hộ đạt tiêu chí không sinh con thứ ba, 210.663 hộ đạt tiêu chí không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Với phong trào viên phụ nữ chỉnh trang vườn mẫu, nhà mẫu và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất, chế biến các thực phẩm sạch... Hội phụ nữ đã hỗ trợ chỉnh trang 394 nhà mẫu, vườn mẫu; cắm biển 241 đoạn đường, chi hội “xanh, sạch, đẹp”. Kết quả có 205.327 hộ đạt tiêu chí “3 sạch”. Là lực lượng tiên phong trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa năm 2015 là 81%.

Trong  lĩnh vực kinh tế: Phụ nữ Hà Tĩnh chiếm 55, 45% lực lượng lao động. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tăng năng suất trên diện tích canh tác, nhờ được bồi dưỡng các kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất, chị em phụ nữ nông thôn đã vươn lên phát triển kinh tế xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và làm giàu hợp pháp. Nhiều chị đã trở thành những nhà quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp giỏi. Các cấp hội phụ nữ đã xây dựng được nhiều hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả như: xây dựng trang trại, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm khai thác phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhân dân. Đến cuối năm 2015, Hội phụ nữ đã xây dựng và nhân rộng 69 hợp tác xã, 421 tổ hợp táctrên các lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản thu hút 8.180 thành viên tham gia, góp phần tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn; xây dựng được 1.495 mô hình kinh tế cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó có 115 mô hình cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, 59 mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.Với trên 85% hộ kinh doanh cá thể, 15,2% doanh nghiệp, chị em nữ doanh nhân Hà Tĩnh đã năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để doanh nghiệp đứng vững và phát triển.(1)

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn nhiệm vụ chính trị ở địa phương, công tác phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn đang còn tồn tại trong xã hội; Một bộ phận phụ nữ thiếu việc làm, phải đi làm ăn xa, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái; Trình độ học vấn, chuyên môn còn thấp. Bạo lực gia đình vẫn  còn xẩy ra, các cấp hội chưa chủ động tham gia giải quyết các vụ bạo hành, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ; Phụ nữ là chủ doanh nghiệp, chủ các hợp tác xã đang còn ít; Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế, nhiều cơ quan, đơn vị chưa mạnh dạn bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ. Việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới còn hạn chế, thiếu chủ động; Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.

Để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua của phụ nữ, phát huy có hiệu quả vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Hà Tĩnh, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong các tầng lớp phụ nữ.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của nhà nước; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ mọi mặt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng hệ thống chính sách đối với phụ nữ của Đảng, nhà nước tới mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân để mỗi thành viên trong xã hội thay đổi nhận thức, biến nhận thức thành hành động, thái độ thành hành vi ứng xử bình đẳng với phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ học tập nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kiến thức xây dựng gia đình, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật.

Thứ hai, trang bị kiến thức, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động " Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; xây dựng câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” thông qua triển khai Đề án 704 của Chính phủ về " Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; Đề án 279 của Chính phủ về "Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"; Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của gia đình và trách nhiệm của các thành viên về xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hướng dẫn phụ nữ kiến thức, kỹ năng về giáo dục gia đình và tổ chức cuộc sống gia đình; kỹ năng sống, giá trị sống.

Thứ ba, các cấp hội phụ nữ cần phối hợp với các cơ quan ban ngành, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chủ động, sáng tạo tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Thi đua sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tham gia quản lý, khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường. Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ, xây dựng các mô hình liên doanh liên kết sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hàng hóa theo nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Thứ tư, Hội Liên hiệp phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp phát huy vai trò, tích cực đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của chị em. Kịp thời tham mưu đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ…, chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng và tạo nguồn cán bộ nữ để giới thiệu cho hệ thống chính trị các cấp. Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, vận động hội viên rèn luyện, phấn đấu vươn lên, trưởng thành trong thực tiễn hoạt động.

Thứ năm, các cấp ủy đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm và chính sách đối với phụ nữ. Cần chú ý khắc phục tính hình thức trong công tác cán bộ nữ ở một số địa phương và cơ quan ban ngành. Kịp thời ban hành cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phụ nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy tài năng và khả năng sáng tạo của phụ nữ trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới nói riêng.

Để phụ nữ đóng góp ngày càng nhiều hơn cho gia đình và xã hội, ngoài sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, bản thân phụ nữ phải tự mình khắc phục khó khăn, xóa bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại, quyết tâm học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, đoàn kết giúp đỡ nhau, vươn lên khẳng định mình để xứng đáng với tám chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng trong thời kỳ đổi mới: “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”.

ThS. Nguyễn Thị Lam

                                                               Trường Chính trị Trần Phú

________

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 của Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh.

2. Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2015.

3. Báo cáo nữ đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức chính trị - xã hội của Ban tổ chức Tỉnh ủy năm 2015.


    Ý kiến bạn đọc