Anh Nghiêm Kình, người cán bộ tuyên giáo mẫu mực
EmailPrintAa
15:02 07/11/2012

Những dòng này tôi ghi lại trong sổ tay công tác.   tuy  đã  gần 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh người Phó Chủ nhiệm chính trị đoàn những lời khuyên của anh với cánh cán bộ tuyên giáo trẻ chúng tôi lúc bấy giờ vẫn mãi trong bộ nhớ.

Anh là Trung tá Nghiêm Kình - nguyên mẫu nhân vật chính   Nghiêm   Kinh   trong tiểu thuyết nổi tiếng “Dấu chân  người  lính”  của  nhà văn Nguyễn Minh Châu, một người thâm niên làm cán bộ tuyên giáo từ cấp huyện đến trung đoàn rồi sư đoàn. Tài năng mẫn tiếp, sức thuyết phụ cao trong mỗi lần nói chuyện, lên lớp; đặc biệt là đạo đức, cách sống của anh luôn là một tấm gương để chúng tôi học tập, noi theo. Là người con của làng Khống - Đức Yên - Đức Thọ, lại được sinh ra từ một gia đình có truyền thống cách mạng, học giỏi, thông minh, anh Nghiêm Kình đã sớm phát lộ tố chất của một cán bộ chính trị trong quân đội. Những năm 60-70, gia đình  anh  là  một  hình  mẫu đẹp,  làm  nhiều  người  phải thèm khát nhìn vào. Anh ruột anh Đại Nghiêm Nghị, vị Tư lệnh đầu tiên của binh chủng Đặc công Việt Nam (tên thường dùng là Nguyễn Chí Điềm - con trai sau là này là Thiếu tướng Nghiêm Sỹ Chúng, công tác ở Bộ Tổng tham mưu) các em trai, gái anh đều là sĩ quan quân đội, cấp tá như Nghiêm Trình ở Binh chủng Xe tăng, Nghiêm Nhu ở Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, Nghiêm Sĩ Thái - Trưởng phân xã TTXVN tại Lâm Đồng… Họ đều những tên tuổi một thời, mãi về sau vẫn còn nhiều người nhớ đến, nhắc đến.

Tôi tốt nghiệp lớp sĩ quan Lục quân cuối cùng của hệ đào tạo chính quy 2 năm thì chiến  tranh  phá  hoại  miền Bắc của đế quốc Mỹ nổ ra. Được phân công về đoàn 320  B  chuyên  huấn  luyện và dẫn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam, với tôi lúc bấy giờ là một vinh dự lớn. Đặc biệt hơn, tôi lại được về Ban Tuyên giáo làm thư ký riêng cho anh Nghiêm Kình từ khi anh còn là chính ủy Đoàn 32 và sau này lên Phó Chủ nhiệm chính trị sư đoàn, một con người nổi tiếng của toàn quân mà lâu nay chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Là người được học hành, đào tạo bài bản về văn hóa, có duyên ăn nói, tài thuyết phục người nghe, anh Kình sớm lọt vào “mắt xanh” của các nhà chính trị quân đội. Vì thế mà suốt đời lính, anh gắn bó thủy chung với nghiệp tuyên giáo.

Nghiêm Kình là người sở hữu một bộ óc bách khoa về lý luận, có lẽ nhờ đọc nhiều, nghe  nhiều.  Đọc  sách,  báo là niềm ham mê vô tận của anh.  Các  cuốn  sách  mang tính kinh điển về lý luận cách mạng của các lãnh tụ trong và ngoài nước, anh cũng nghiền không kém gì sách văn học, văn nghệ. Trên bàn làm việc, trong  xe  con,  trong  ba  lô của anh ngoài quân tư trang, súng đạn là sách. Những năm chiến tranh, trong quân đội, từ cấp sư đoàn trở lên được ưu tiên trang bị, cấp phát khá nhiều sách, báo. Phòng chính trị dưới quyền của anh có hẳn một trợ lý câu lạc bộ chuyên phụ trách phần việc này. Thế mà với anh Nghiêm Kình, sách, báo bao giờ cũng thiếu. Bởi  vậy  mỗi  lần  xe  chiếu bóng của Ban Tuyên giáo về xưởng phim quân đội nhận phim mới, anh bỏ tiền lương gửi anh em mua chở về một lúc hàng chục cuốn sách. Thép đã tôi thế đấy!; Sông Đông êm đềm; Chiến tranh và hòa bình; Đất vỡ hoang; Thư vào Nam; Rừng thẳm tuyết dày… những pho sách dày cộp, quý giá đó có khi “ngốn” hết gần cả tháng lương Trung tá hồi bấy giờ, nhưng anh vẫn đều đặn mua về. “Sách với tôi là người thầy, người bạn”. Quả thật như anh đã từng nói. Bởi các nhân vật, các lời thoại đắt giá  từ  trong  các  cuốn  sách đó lần lượt được anh đưa ra ngoài đời, vận dụng một cách khéo léo vào các buổi lên lớp chính trị, nói chuyện thời sự cho cán bộ, chiến sĩ. Tôi nhớ một lần, trung đoàn 48 mời anh Nghiêm Kình xuống gặp mặt động viên anh em chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu. Chiến trường Trị Thiên đang ở giai đoạn quyết liệt, đơn vị phải cấp tốc hành quân vào bổ sung cho lực lượng trấn giữ thành cổ Quảng Trị. Tin  thương  vong,  mất  mát của các đơn vị vào trước đã bay ra hậu cứ của sư đoàn. Một số chiến sĩ trẻ vài ba tỉnh phía Bắc có biểu hiện hoang mang, lo lắng. Nắm được điều đó, anh quyết định thay đổi nội dung từ nói chuyện thời sự thế giới, trong nước sang chiếu phim ngoài trời. Bộ phim “Thép đã tôi thế đấy!” mới nhận từ Hà Nội về hôm qua được mang xuống phục vụ cho đơn vị. Trung sĩ Hồng Thụ, thuyết minh của Đội chiếu bóng lúng túng, toát mồ hôi bởi bản thuyết minh của phim chỉ mới kịp đọc qua một lần. Thấy thế, anh Nghiêm Kình cầm ngay mi-cơ-rô, thế chân Hồng Thụ. Nhờ đọc tiểu thuyết này nhiều lần, lại có kiến  thức  ngoại  ngữ  vững, anh nhập vai khá trọn vẹn là người thuyết minh lời thoại từ đầu tới cuối bộ phim. Đèn bật  sáng. Anh  yêu  cầu  mọi người ngồi yên và buổi trao đổi về nội dung của bộ phim vừa được xem giữa anh - nhà tuyên giáo của đoàn với các chiến sĩ trẻ bắt đầu. Anh gợi ý cho anh em nhận xét về nội dung bộ phim; về nhận thức, hành động của chiến sĩ trẻ Paven Corsagin - nhân vật chính của bộ phim vừa chiếu. Do tìm hiểu trước, anh khéo léo chỉ định vài ba chiến sĩ trong số “đang vấn đề về tư tưởng”, nói lên những điều học tập ở Paven và bản thân mình sẽ làm gì để xứng đáng với cha anh, với truyền thống tốt đẹp của Đại đoàn Đồng Bằng? Buổi đối thoại diễn ra sôi nổi, hấp dẫn đến không ngờ. Và bất ngờ hơn cả, chính mấy chiến sĩ kia lại là những người phát biểu rất hay. Họ bộc bạch tâm trạng của mình sau khi xem tấm gương của Paven, hứa sống và chiến đấu như một Paven khi nhận nhiệm vụ mới. Về sau này, tôi được biết, trong số đó có Trần Văn Đông và Trần Quốc Huấn quê ở huyện Vụ Bản (Nam Hà) đã trở thành những dũng sĩ diệt Mỹ, chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc tại Thành Cổ Quảng Trị máu lửa.

Là một nhà tư tưởng giỏi, anh Nghiêm Kình còn là một vị  chỉ  huy  mẫu  mực.  Anh sống giản dị, khiêm nhường mà ấm áp tình người. Cán bộ, chiến sĩ dưới quyền thiếu thốn cái gì, anh cho luôn cái đó. Có hôm đi công tác về khuya, thấy một chiến sĩ cảnh vệ tên là Dung đứng gác co ro dưới trời rét giá, anh cởi ngay chiếc áo choàng dành cho sĩ quan cao cấp mới được phát, khoác lên người Dung. Chàng lính trẻ binh nhất đó sợ quá, định từ chối, trả lại thì đã “bị” vị chỉ huy của mình ra lệnh: “Đứng yên, không được động đậy!

Năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Cả sư đoàn chúng tôi đang bước vào những ngày ác liệt nhất tại Thành Cổ QuảngTrị thì nghe một tin đau xé lòng: anh Nghiêm Kình, người chỉ huy thân yêu, nhà tư tưởng chính trị vô cùng kính mến của chúng tôi đã vĩnh viễn ra đi trong đêm 20-8-1972 trong khi đang chỉ huy đơn vị hành quân diệt địch.

Tin dữ đó như chạm vào nỗi  đau,  lòng  căm  thù  giặc đến  tột  độ,  mọi  người  lặng im, mắt trừng trừng, dõi súng về  phía  kẻ  thù.  Những  loạt đạn đầy hờn căm trào ra từ các nòng súng, găm thẳng vào quân giặc. Bỗng có tiếng hét của các chiến sĩ trẻ: “Trả thù cho thủ trưởng Nghiêm Kình. Chạm vào Paven của Việt Nam, chúng bay phải trả giá. Xông lên!”

Và cũng chính đêm đó, quân giặc đã phải rút chạy, bỏ lại một Thành Cổ đổ nát, hoang tàn sau 81 ngày đêm giành giật quyết liệt với quân ta, thất bại.


    Ý kiến bạn đọc