Kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)
EmailPrintAa
14:52 07/11/2012

Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” như một luồng gió mới thổi vào bầu không khí chính trị của đất nước, tạo thêm niềm tin trong toàn Đảng và nhân dân ta, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ ba vấn đề thật sự cấp bách, đồng thời đề ra bốn nhóm giải pháp cụ thể cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tự phê bình và phê bình là giải pháp hàng đầu, mấu chốt góp phần thực hiện thành công đối với toàn bộ nội dung Nghị quyết.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết nhằm tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Nội dung kiểm điểm căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách Nghị quyết nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, phân tích, làm rõ tại sao những khuyết điểm, yếu kém đã chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục, có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm. Làm rõ thực trạng biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có những điểm mới về phương pháp và cách làm:

Thứ nhất, cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là mỗi đồng chí cấp ủy viên các cấp phải tự giác, gương mẫu kiểm điểm, tự phê bình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự sửa, cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng. Đối với từng cán bộ, đảng viên, căn cứ vào Quy định những điều đảng viên không được làm (ở Hà Tĩnh gắn với cả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị 35, Chỉ thị 20, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 33 của Ủy ban nhân dân tỉnh) để tự soi xét, nhìn lại bản thân và gia đình mình, tự nhận thấy khuyết điểm và tự mình sửa chữa là việc có thể làm ngay không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm.

Thứ hai, trước khi kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành lấy ý kiến góp ý (cho tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên) của các tổ chức có liên quan, chi ủy chi bộ nơi công tác, chi ủy chi bộ nơi cư trú và cá nhân cán bộ đã nghỉ hưu nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Cấp trên gợi ý kiểm điểm (nếu xét thấy cần thiết) đối với tập thể cấp dưới và cá nhân cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý (kể cả đảng viên đã nghỉ hưu). Ở lần này, với mong muốn thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân nên phạm vi, đối tượng lấy ý kiến được mở rộng, không chỉ cấp dưới đóng góp ý kiến cho cấp trên mà mở rộng lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân ngang cấp. Đồng thời, các tập thể lãnh đạo có thể mở rộng thêm đối tượng lấy ý kiến đóng góp (nếu xét thấy cần thiết) hoặc các tập thể và cá nhân không thuộc đối tượng lấy ý kiến cũng có thể đóng góp ý kiến đối với tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương khác (khi xét thấy cần đóng góp ý kiến).

Thứ ba, sau kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân phải báo cáo, thông báo kết quả kiểm điểm tới các thành phần đã lấy ý kiến đóng góp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả kiểm điểm để Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận, góp ý; các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải báo cáo kết quả kiểm điểm với đối tượng lấy ý kiến, tương tự như cách làm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ tư, những tập thể và cá nhân kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu thì phải kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại đối với tập thể và cá nhân thuộc cấp mình quản lý, nếu xét thấy kiểm điểm không đạt yêu cầu. Đồng thời, qua kiểm điểm nếu xét thấy tổ chức và cá nhân nào có vi phạm đến mức phải xử lý thì thực hiện xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là căn cứ để xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Sau kiểm điểm lần này, việc thực hiện chế độ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện thường xuyên hằng năm, gắn với kiểm điểm chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo Kế hoạch số 35-KH/TU, ngày 27 tháng 3 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm điểm trong tháng 7, tháng 8 năm 2012; Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo các sở ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiến hành kiểm điểm trong tháng 8 và tháng 9 năm 2012; các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên tiến hành kiểm điểm trong các tháng 9, 10, 11 năm 2012.

Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với nhiệm vụ là tham mưu giúp Ban Thường vụ chuẩn bị đầy đủ các bước theo quy định về tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ và cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đã tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch - Phó chủ tịch UBND, HĐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Ủy viên UBND, Thường trực HĐND, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; nguyên Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các đồng chí nguyên Phó các ban Đảng Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên bí thư các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc hiện nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh; gửi phiếu lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy nơi công tác, cấp ủy nơi cư trú đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đồng chí có liên quan để lấy các ý kiến, các nội dung tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo các sở ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các đồng chí là cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang tích cực thực hiện tổng hợp các ý kiến và quyết tâm sớm hoàn thành theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 Để công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các cấp ủy Đảng cần: Quán triệt và thực hiện tốt mục đích, yêu cầu Kế hoạch số 35-KH/TU, ngày 27/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết với quyết tâm chính trị cao, lấy phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; vừa giữ đúng nguyên tắc, có tính thuyết phục vừa phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm. Phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu, phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn. Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm phải chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để "đấu đá", trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo. Kết quả kiểm điểm phải đạt được mục đích xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu và đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.


    Ý kiến bạn đọc