Thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội theo tỉnh thần Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu
EmailPrintAa
14:02 07/11/2012

Việc cưới, việc tang và lễ hội có sự tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm nền tảng tinh thần và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với việc triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trên địa bàn tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả tốt; hiện tượng vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Truyền thống đạo đức, nếp sống văn hóa lành mạnh phù hợp với cốt cách dân tộc được củng cố và phát huy, nhiều đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, vui tươi, hạnh phúc lứa đôi vẫn bền vững, êm ấm. Các thủ tục rườm rà trong ma chay được lược bỏ, vừa hợp vệ sinh, không gây phiền hà, tốn kém cho gia đình tang chủ. Các hoạt động lễ hội từng bước được tổ chức khá phong phú, phù hợp với phong tục, yêu cầu, gọn nhẹ tiết kiệm. Tại các địa phương cơ sở, một số nghi thức mới được hình thành, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; các hoạt động cưới, tang, lễ hội thực sự là nơi gắn kết cộng đồng, làng nước, nơi gặp gỡ hội tụ để từ đó phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn và giữ gìn đạo lý dân tộc.

Tuy vậy trên thực tế việc tổ chức việc cưới, tang và lễ hội ở tỉnh ta thời gian qua vẫn còn nhiều biểu hiện đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện tượng tổ chức lễ cưới mang tính phô trương, lãng phí, vụ lợi vẫn còn diễn ra. Gần đây, một số gia đình khá giả tổ chức lễ cưới cho con quá tốn kém, mời nhiều ca sỹ nổi tiếng về biểu diễn, sử dụng các mối quan hệ để mời khách lên đến hàng ngàn người, ăn uống linh đình nhiều ngày… Nhiều đám tang vẫn còn quá nhiều vòng hoa, câu đối, tổ chức dài ngày, mở nhạc quá giờ quy định, rải nhiều vàng mã, thậm chí rải cả tiền thật trên đường. Do nhận thức việc cưới, việc tang là việc riêng của từng gia đình, cho nên mạnh ai nấy làm, đã tạo sự ganh đua không lành mạnh, gây tốn kém, lãng phí và phản cảm trong dư luận xã hội. Một số lễ hội tổ chức rườm rà, vẫn tồn tại nhiều biểu hiện lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, đồng bóng, bói toán; trong lúc đó việc quản lý của các ngành chức năng còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị thì vẫn còn một bộ phận chấp hành chưa nghiêm, nhất là đối với một số cán bộ, đảng viên, làm nhân dân không đồng tình, thậm chí phản đối.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Để Chỉ thị của Đảng thực sự có hiệu lực, đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện tốt, gương mẫu đi đầu, làm trước để nhân dân noi theo. Việc đi đầu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn yêu cầu cán bộ đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, đảng viên phải đi trước để làng nước theo sau. Trong việc xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức. Trong gia đình, đó là tấm gương cha mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong xóm làng, khối phố, là tấm gương của các bậc cao niên, các cựu chiến binh, các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ; trong cơ quan, đó là tấm gương của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lãnh đạo đối với nhân viên; trong toàn xã hội, đó là tấm gương của những “người tốt, việc tốt” đối với nhân dân. Hiện nay, trong xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, ở từng khối phố, thôn xóm, nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu gương sáng, gương mẫu đi đầu, được nhân dân tin yêu, mến phục, cộng đồng ngưỡng mộ. Bên cạnh đó cũng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên còn bàng quang, thờ ơ với cuộc sống, với những nỗi bất hạnh riêng của số phận, hoàn cảnh những người xung quanh, ít thể hiện tình làng, nghĩa xóm, không nêu gương sáng trước cộng đồng. Vì vậy, việc nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên có vai trò quyết định trong việc đưa Chỉ thị đi vào cuộc sống, là thước đo phẩm chất lối sống của người cán bộ, đảng viên, nhất là trong thời điểm chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tổ chức Đảng phải nghiêm túc làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, thậm chí kỷ luật nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, không nể nang, bao che. Các tổ chức đoàn thể phải tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt, đồng thời mạnh dạn đấu tranh, phản ánh với tổ chức, cơ quan, đơn vị có cá nhân vi phạm Chỉ thị. Các cộng đồng dân cư, thôn xóm, khối phố phải mạnh dạn góp ý phê bình, nhận xét cán bộ, đảng viên trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội không đúng quy định của địa phương và tinh thần của Chỉ thị, nhất là trong nhận xét đánh giá hàng năm của cán bộ, đảng viên tại nơi trú.

Việc thực hiện Chỉ thị cần phải được gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; không chạy theo hình thức mà phải thực chất, gắn liền với biểu dương, nhân rộng điển hình, nhân tố mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị bằng những quy định, hướng dẫn cụ thể, trong việc thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội; rà soát, bổ sung các hương ước, quy ước phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến cơ sở làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia.

Thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, tổ chức làm nghiêm, đoàn thể vận động tốt, cộng đồng lên tiếng ủng hộ, chúng ta tin tưởng rằng tình cảm không những không phai nhạt, đạo lý truyền thống dân tộc được giữ vững, các hủ tục lạc hậu sẽ được đẩy lùi, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ ngày càng văn minh, trong sáng hơn. Đó là những điều kiện tiên quyết để Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực sự đi vào cuộc sống.


    Ý kiến bạn đọc