Nhớ về hai người Thư ký tòa soạn
EmailPrintAa
10:57 08/11/2012

Thư ký tòa soạn (TKTS) nhân vật quan trọng chỉ đứng sau Tổng biên tập về mặt xuất bản của một “tờ báo”. Như một tham mưu trưởng của đơn vị, TKTS đóng vai trò ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô; vừa là người đầu tiên tham mưu cho Ban Biên tập về kế hoạch xuất bản tờ báo trong mỗi tháng, mỗi quý, vừa là một đầu bếp giỏi, tinh tường, biết chọn ra những “món ăn ngon nhất” từ trong số bài vở có trong tay để trình lên người duyệt báo.

Trong đời làm báo hơn 30 năm của tôi ở xứ Nghệ, có hai người TKTS để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất về cả tay nghề lẫn trách phận. Đó là các nhà báo Duy Thảo và Bá Linh.

Duy Thảo Tinh tế và cẩn trọng

Từ một người lính phòng không vào nghề báo nhờ có năng khiếu, không được đào tạo một cách hệ thống, bài bản, song anh Duy Thảo làm báo giỏi, đặc biệt ở khâu thư ký biên tập. Nói về trí nhớ thơ ca, văn học ở đất Hà Tĩnh, tôi phải bái phục hai người là Duy Thảo và Thế Cải. Cả hai như bộ bách khoa toàn thư về văn học. Cần nhớ tên một tác giả, tác phẩm, một câu thơ cần độ chính xác cao, bạn cứ “phôn” cho hai vị trên. chỉ ngay sau khi anh mới yêu cầu, lập tức đã có sự trợ giúp với độ chính xác hầu như… tuyệt đối. Đọc nhiều, trí nhớ tốt, lại có năng khiếu báo chí bẩm sinh, nên anh Duy Thảo biên tập rất giỏi. Bài vở đã vào tay anh thì một là bị trả lại, hai là được nhuận sắc hẳn lên. Trước khi biên tập, anh đọc lướt một lần bài viết. Bài nào được “xào nấu” qua báo cáo hoặc “cóp” lại của người khác,  báo  khác,  khó  qua được mắt anh. Anh làm việc rất tập trung, khi đã biên tập thì như người ngồi thiền, đố ai kéo được anh ra khỏi bàn làm việc. Tôi nhớ đã lần ở báo Nghệ Tĩnh, cả tôi và nữ phóng viên Thúy Liên bị anh đuổi ra khỏi phòng vì nói chuyện riêng quá to khi anh đang biên tập. Chỉnh chu, thận trọng đến cầu kỳ. Nhiều bài anh thay đi thay lại bản thảo đến hai, ba lần. Đặc biệt là ở thơ, Duy Thảo gạn lọc, nắn nót từng tí, khi bài đã nằm trên bản “bông” lần 2 (tức bản đã được sắp chữ, sửa chữa kỹ để cho in chính thức) anh vẫn chạy sang nhà in xin sửa, dù chỉ là một dấu phẩy. Vì thế mà anh còn có biệt danh do cánh thư ký và nhà in đặt cho là “Phan Duy Thay”! Và như một sự y ước bất thành văn của anh chị em phòng thư ký là khi dùng thơ của bác Thảo phải xem kỹ bản thảo. Thường có nhiều bản gửi tới, nhưng phải là bản có ghi bên lề: “Bản chính” kèm theo chữ ký khá bay bướm và ướt át của tác giả thì đó mới là bản cuối cùng.

Không chỉ giỏi về biên tập, về chữ nghĩa, anh Thảo còn có biệt tài tổ chức mặt báo. Những khi tin bài phong phú không nói làm gì, có số do yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời trong tay thư ký bài vở quá ít ỏi, nghèo nàn, anh vẫn tìm cách xoay xở, tìm tòi, cho ra đời một trang báo “khá ngon lành”, làm ngạc nhiên cả những người trong cuộc.

Nếu  có  cuộc  bầu  chọn thư ký tòa soạn giỏi của báo Hà Tĩnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm, chắc chắn tôi sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu cho anh Duy Thảo. Và tôi nghĩ rằng các đồng nghiệp cũng sẽ làm như tôi, bởi anh xứng đáng với điều đó!

Bá Linh chịu khó, đầy trách nhiệm

Gần chục năm đảm trách thư ký tòa soạn báo Hà Tĩnh, Bá Linh để lại trong chúng tôi những ấn tượng thật đẹp. Đó là một công chức mẫn cán, một nhà báo có nghề, một đồng nghiệp chân tình, đôn hậu.

Là trưởng phòng thư ký của một tờ báo Đảng, bận bịu đến tối mặt, thế nhưng chẳng có cuộc hàn huyên bạn nào lại thiếu Linh. Lặng lẽ, khiêm nhường, luôn nhận phần thua thiệt về mình kể cả trong công việc lẫn khi thù tạc. Bá Linh là con người như vậy. Hơn  chục  năm  sống  cùng tòa soạn, 9 năm là thủ trưởng trực tiếp của Linh, chưa bao giờ tôi nghe anh phàn nàn kêu ca về công việc. Hằng ngày, cứ đều đặn như một cái đồng hồ: 6 giờ sáng đưa con đến trường, 6 giờ 30 ngồi vào ghế thư ký chuẩn bị bài vở cho họa sỹ lên khuôn và là một trong những người ra về cuối cùng trong ngày. Với TKTS Bá Linh, thủ trưởng không bao giờ phải nhắc anh về trách nhiệm. Trưởng   thành   từ   một biên  tập  viên,  phó  thư  ký rồi TKTS, anh rất quý trọng và có ý thức “nuôi dưỡng” cộng tác viên. Dưới sự dìu dắt công phu của anh, nhiều cộng tác viên từ chỗ ban đầu “i-tờ” trong viết lách, giờ trở thành những cộng tác viên, nhà báo thực thụ. Anh Tiến Dũng  -  hội  viên  Hội  nhà báo Việt Nam, là một trong những trường hợp đó. Vốn là một diễn viên, một nhà quản lý nghệ thuật về hưu, Tiến Dũng tìm đến địa hạt báo chí từ một người ngoại đạo. Say mê  chụp  ảnh,  say  mê  viết tin, bài, Tiến Dũng như con thoi suốt ngày đến với cơ sở. Song, khi ngồi vào để viết thì anh lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, kết thúc chỗ nào. Vì thế, những bài viết đầu tiên anh đưa cho thư Linh chỉ là những phác thảo không hơn không kém. Với những biên tập viên khác, chắc chắn loại bài này sẽ bị cho ra rìa, song Bá Linh thì không thế. Anh tỉ mẩn sửa sửa, xóa xóa, có đoạn không sửa được nữa, anh phải tự tay viết lại trên cái nền tư liệu cũ. Sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của một thư ký, biên tập đã để lại cho tòa soạn không chỉ một Tiến Dũng mà là nhiều cộng tác viên xuất sắc. Anh thường tâm sự: anh cũng từ một cộng tác viên, những năm 80 được anh Duy Thảo, Khắc Hiển của một tờ báo “Nghệ   Tĩnh   chủ   nhật” dìu dắt, giúp đỡ mới trưởng thành về nghề như hôm nay. Vì thế anh rất quý mến, tôn trọng đội ngũ cộng tác viên, nhất là những người mới cầm bút.

Là nhà báo “tay ngang” chưa qua trường lớp báo chí, song nhờ thông minh và cần cù, Bá Linh đã sớm khẳng định mình trong làng báo. Anh viết được nhiều thể loại: phóng sự, phóng sự điều tra, gương điển hình, chính luận, tiểu luận từ bài lớn đến mẩu nho nhỏ kiều như “Sinh hoạt tư tưởng” “Chuyện quản lý”… thể loại nào Linh cũng viết khá và “có duyên”. Điều đáng quý là anh biết tích lũy, ky góp liệu, nên khi cần là có bài “chữa cháy” ngay, dù anh rất ít khi được rời bàn thư ký để xuống cơ sở.

Không chỉ báo mà lĩnh vực thơ, Bá Linh cũng để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng khó phai “Thơ anh nhỏ nhẹ, tâm tình nhưng đau đáu”. Vòng đời xanh, Sông gầy, Đêm  Sầm  Sơn…  là  những bài viết của anh đã và còn sẽ neo đậu lâu trong lòng người đọc. Bình về thơ anh, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã viết: “Hình như trong con người nhìn bề ngoài có vẻ chững chạc và già trước tuổi, nay vẫn có những run rẩy, non tơ trước vẻ đẹp mong manh và ảo ảnh của tình yêu, đầy hoài vọng và lắm thất vọng…”. Văn là người, thơ cũng là người, gần Linh mới biết Linh người nhiều nỗi niềm, tâm trạng. “Lớn lên con sẽ hiểu”, “Mẹ”, “Xon nê dã tràng”, “Suy nghĩ trước căn nhà mới”… là những suy tư đau đáu của anh trước tình yêu, cuộc sống.

Cuộc đời khép lại chênh vênh hai lứa tuổi tứ, ngũ tuần Linh hình như đã cảm nhận được số phận khi viết tặng nhà thơ Duy Thảo: “Dốc cuộc đời chênh vênh/ Bên kia bờ là vực thẳm/ Một lối xanh đằm thắm”...

Thật tiếc những ngày này không có anh để cùng chúng tôi chứng kiến sự đổi thay lớn mạnh của tờ báo Hà Tĩnh mà anh là một trong những người đã góp phần vun đắp. Tuy vậy, trong thẳm sâu trái tim của bạn bè, đồng nghiệp Bá Linh mãi mãi là một thư ký tòa soạn đầy trách nhiệm với phóng viên, cộng tác viên, một nhà báo có tâm và có tầm của làng báo chí Hà Tĩnh.


    Ý kiến bạn đọc