Xô Viết Nghệ – Tĩnh từ góc nhìn lịch sử
EmailPrintAa
14:33 08/11/2012

Cách đây 82 năm, Xô viết Nghệ - Tĩnh đã diễn ra. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Đến hôm nay, các thế hệ người dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng mãi mãi tự hào khi nhắc đến cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Thật khó tin được khi Đảng ta mới ra đời chưa được hơn ba tháng, Đảng bộ Hà Tĩnh mới hơn hai tháng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy thành một phong trào “long trời lở đất” như vậy.

Điều kỳ diệu là vào thời điểm đó, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với tiến trình lịch sử. Trước sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến đã khiến người dân không chịu nổi, lòng căm phẫn của nhân dân đã lên đến tột độ và khi chủ nghĩa Mác- Lê nin do Nguyễn Ái Quốc cùng tầng lớp trí thức yêu nước truyền bá vào đã đến độ chín muồi thì phong trào chỉ cần có một tổ chức chính trị đại diện, đủ năng lực giương cao ngọn cờ lãnh đạo. Chính thế ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam  ra  đời,  đến  ngày  1/5 Đảng phát động phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định Phú Riềng. Bắt gặp chủ trương này, Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh đã rất nhạy bén sáng tạo phát động nhân dân toàn tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5. Rất mau lẹ, chủ trương đó đã đi vào cuộc sống. Ngày 1/5/1930 cùng với tỉnh Nghệ An, ở Hà Tĩnh cờ đỏ phấp phới  tung  bay  từ  Rú  Cơm (ở Nghi Xuân) - địa đầu của tỉnh, đến Đò Trai (Đức Thọ), Rú Nầm (Hương Sơn), trước cửa Toà sứ (thị xã Hà Tĩnh), Cợ Chùa (Cẩm Xuyên), Bàn Độ (Kỳ Anh); cùng với hàng ngàn tờ truyền đơn rải khắp tỉnh từ Dị Long (Hương Sơn) đến Lạc Thiện (Đức Thọ), Phù Lưu (Can Lộc), Phù Việt, Đan Hộ (Thạch Hà), Yên Dương (Cẩm Xuyên)… Thật kỳ lạ, vào thời điểm đó mà nội dung của truyền đơn kêu gọi: “phải giương cao ngọn cờ đấu tranh đến toàn thắng”, “phải thị uy đấu tranh đến khi cướp được chính quyền mới thôi”. Lời kêu gọi đó hợp với lòng dân, nên được dân hưởng ứng và dân tự nguyện đi theo dưới ngọn cờ của Đảng.

Như một phản ứng dây chuyền, phong trào nổ ra khắp nơi hai tỉnh Tĩnh Nghệ An. Tiếng trống vang lên từ làng này đến làng khác thúc dục đấu tranh, đó là phương tiện truyền tin nhanh nhất, thực tế nhất và hữu hiệu vào thời điểm lúc bấy giờ. Đến đầu tháng 7/1930 đã có những cuộc tuần hành rầm rộ quy mô cấp thôn, cấp xã, liên xã như ở Khố Nội, Ốc Khê (Can Lộc), Đan Chế, Phù Việt (Thạch Hà)… Ở nhiều thôn đã ra đời đội tự vệ, xích vệ Đỏ. Điều nổi bật từ trong phong trào quần chúng do Tỉnh uỷ lâm thời phát động đã xuất hiện những nhân tố mới để kết nạp vào Đảng, từ đó ra đời nhiều tổ chức đảng ở cơ sở để lãnh đạo phong trào và nhiều huyện uỷ lâm thời như ở Kỳ Anh, Hương Khê… được thành lập. Riêng Cẩm Xuyên trong ngày 17/7/1930 đã tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện bầu ra Ban Chấp hành chính thức.

Nếu như ở thời gian đầu, việc đấu tranh còn mang tính tự phát thì sau khi cuộc đấu tranh “Kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc” diễn ra vào ngày 01/8/1930 phong trào đã lan rộng trong toàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh uỷ: “Các cuộc biểu tình bãi công phải có tính chất hoàn toàn chính trị, mục đích là đòi một số quyền lợi và đời sống kinh tế”. Phương thức đấu tranh cũng được chỉ đạo sát sao “Các cuộc  tập  trung  phải  được tổ chức để kéo đến những chỗ  cơ  quan  hành  chính của  chính  quyền  thực  dân để biểu tình, biểu dương lực lượng…”. Một cách nhanh chóng, chủ trương này của Tỉnh uỷ đã được các cấp uỷ triển khai. Ngày 01/8/1930 quần chúng trong toàn tỉnh đã đồng loạt, rầm rộ kéo nhau đi tuần hành, biểu tình. Ở Can Lộc, đoàn biểu tình tập hợp hàng ngàn người từ tổng Phù Lưu, Lại Thạnh kéo về Hạ Vàng, tri huyện hoảng quá vội ra đón ở Cầu Nghèn để ngăn chặn, nhưng trước khí thế của dân, tri huyện cũng  phải  chấp  nhận  bản yêu sách. Rầm rộ trong ngày 01/8 ở Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh quần chúng đều kéo đến huyện đường đòi yêu sách, có nơi như Kỳ Anh đã treo cờ đỏ ở  cổng  huyện  đường.  Sự kiện quan trọng này chứng tỏ, Đảng ta rất nhạy bén với diễn biến của tình hình, nắm bắt được phong trào, tiếp tục cổ vũ, động viên tinh thần của quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cao trào cách mạng mới.

Đến tháng 9/1930, Đảng bộ Hà Tĩnh đã có 376 đảng viên có mặt ở hầu hết các làng  xã  trong  tỉnh  để  lãnh đạo  phong  trào.  Bước  tiến lớn về tổ chức là Đảng bộ đã tiến hành Đại hội bầu ra Ban Chấp hành chính thức đề ra chủ trương tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn, gắn đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. “Cuộc đấu tranh cần có vũ trang bằng các loại vũ khí như gậy, kiếm, dao cùng với các tổ tự vệ hỗ trợ quần chúng đấu tranh”. Đây là một bước tiến mới có tính lịch sử chuẩn bị cho việc vũ trang giành chính quyền. Chủ trương của đại hội nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng với một khí thế ào ào như dòng thác cách mạng. Từ cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga (7/11) và ngày Quảng Châu Công xã (12/12), trong những tháng cuối năm 1930 hầu hết các làng xã trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào dinh luỹ của kẻ thù. Trước khí thế đó, uy thế của hệ thống thống trị thực dân, phong kiến bị giảm sút, bộ máy chính quyền cấp huyện nơm nớp lo sợ, đặc biệt như ở Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên hoàn toàn bị tê liệt. Ở nhiều nơi chánh tổng, lý trưởng bỏ trốn, hoặc ra đầu hàng xin giao sổ sách, con dấu cho nông hội. Trước tình hình đó, một sự sáng tạo mới trong tiến trình lịch sử đã đưa phong trào đến đỉnh điểm, giành chính quyền về tay nhân dân và lập nên các viết. Đến cuối năm 1930 đầu 1931, toàn tỉnh ta đã có 170 làng Xô viết. Đây chính quyền công nông đầu tiên trong lịch sử không chỉ ở Việt Nam đối với các nước thuộc địa trên thế giới. Thắng lợi này có ý nghĩa to lớn, thể hiện năng lực và tầm vóc của một Đảng kiểu mới đứng ra tổ chức lãnh đạo phong trào và  nắm  bắt  tình  huống  cụ thể để đứng lên giành chính quyền về tay mình.

Rất tiếc là do thời điểm lịch sử chưa đến, tương quan lực lượng chưa cho phép, còn thiếu kinh nghiệm và chưa được chuẩn bị đầy đủ trước khí thế của phong trào, thời cơ cách mạng chưa đủ chín muồi để giành và giữ được chính quyền, nên Xô viết ra đời chỉ trong một thời gian ngắn thì bị địch đàn áp dã man và không tồn tại được lâu. Dẫu vậy, giai đoạn lịch sử này là sự thăng hoa chói sáng báo hiệu cho những thắng lợi tiếp theo trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học lịch sử vô giá của viết Nghệ - Tĩnh đã góp phần đưa lại những thành quả to lớn sau này. Nhân dân Hà Tĩnh cùng nhân dân cả nước đã tiến hành cách mạng Tháng Tám thành công, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược mà đỉnh cao chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, tiếp tục đưa đất nước tiến bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


    Ý kiến bạn đọc