Một số vấn đề cần được chấn chỉnh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn
EmailPrintAa
16:53 15/09/2014

Những năm gần đây, nước ta đã chính thức hội nhập một cách sâu rộng và toàn diện với quốc tế. Sự hội nhập đã mang lại những thay đổi lớn cho sự nghiệp văn hóa thể thao và du lịch nói chung, hoạt động nghệ thuật biển diễn nói riêng. Bên cạnh các loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, phát huy thì nhiều loại hình nghệ thuật tiên tiến, hiện đại khác cũng được du nhập và phát triển mạnh mẽ.
 

Nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật có cơ sở pháp lý trong mọi hoạt động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013). Tiếp đến, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 03 (có hiệu lực từ ngày 15/03/2013). Tại Hội nghị sơ kết toàn quốc đánh giá kết quả sau hơn một năm triển khai, áp dụng hai văn bản trên vào thực tiễn quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biển diễn, các đại biểu tại hội nghị đều ghi nhận những kết quả bước đầu thật sự đáng mừng, đó là: Trước hết, hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành lần này đã được nâng tầm, khắc phục tình trạng dàn trải, chồng chéo tại nhiều văn bản trước đây, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện. Lần đầu tiên Nghị định đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích mọi thành phần tham các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (dưới đây gọi tắt là biểu diễn nghệ thuật) theo quy định của pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ xin cấp phép, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức, đồng thời từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn. Việc phân cấp quản lý cũng góp phần tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm của sở VHTT&DL với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhờ vậy, tình trạng các đơn vị tổ chức biểu diễn yêu cầu nghệ sĩ sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thay thế cho giọng hát thật của mình (hát nhép); nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; quảng cáo không đúng với nội dung chương trình… đã giảm đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 79/2012 NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTT&DL trên thực tế vẵn chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ở các tỉnh thành phố và không được thực hiện thường xuyên, liên tục để mọi đối tượng nắm bắt; thực hiện việc cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay đang chủ yếu thực hiện trên hồ sơ là chính, công tác thẩm định chương trình, kiểm tra, hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức, do vậy còn để xảy ra các vi phạm do một số Công ty tổ chức biểu diễn thực hiện không nghiêm trong việc: Quảng cáo không đúng với thực tế, hay cố ý gây hiểu mập mờ, thậm chí còn trắng trợn khi “treo đầu dê, bán thịt chó” để lừa dối khán giả; Một số Ca sỹ cố tình trang phục hở, mở, ngắn, gây phản cảm; sự phối hợp giữa các sở VHTT&DL ở địa phương với các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ trong cấp phép và tiếp nhận hồ sơ biểu diễn, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp núp dưới danh nghĩa “từ thiện” để trục lợi; giả mạo, mua đi, bán lại giấy phép, đến lừa địa phương biểu diễn; một số đơn vị tổ chức biểu diễn phát tờ rơi quảng cáo và vé mời xem miễn phí cho trẻ em tại các trường tiểu học, mầm non nhưng buộc người lớn đưa các cháu vào xem phải mua vé; tình trạng hát nhép vẫn phổ biến, dẫn đến một số nghệ sỹ, ca sỹ sa sút đạo đức nghề nghiệp, nhiều nhạc công trong các dàn nhạc dân tộc của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp bị mất chỗ đứng… Bên cạnh đó, một số công ty tổ chức biểu diễn lợi dụng sự buông lỏng của cơ quan quản lý nhà nước tại số địa phương trong khâu thẩm định, kiểm duyệt, để cùng một lúc thành lập và quản lý nhiều đồng nghiệp đi biểu diễn, gây tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát cho cơ quan chức năng, thậm chí nhiều khi gây ra sự tranh chấp địa điểm lưu diễn; vấn đề tác quyền thực hiện chưa nghiêm túc, một số tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định pháp luật về quyền tác giả, không xin phép và trả tiền nhận bút cho tác giả khi sử dụng tác phẩm của chủ sở hữu; việc lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình các chương trình ca múa nhạc, sân khấu đang diễn biến phức tạp do tình trạng nhập lậu, lưu hành các bản ghi âm, ghi hình từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hình thức xử lý vi phạm đang dừng lại ở phạm vi nhắc nhở, tịch thu, tiêu hủy ấn phẩm văn hóa ngoài luồng; việc phối hợp với các ngành chức năng như công an, thông tin truyền thông, quản lý thị trường chưa thực sự tích cực. Hội đồng nghệ thuật thuộc các sở VHTT&DL hầu hết chưa đủ năng lực, lại không có chi phí tổ chức hội đồng để duyệt, thẩm định chương trình, mà chủ yếu dựa vào hồ sơ cấp phép do bộ phận “một cửa” chuyển đến, trong một thời gian quá ngắn (chậm nhất 5 ngày theo quy định) dẫn đến nhiều sai sót khi cấp giấy phép… Những việc làm trên đã gây ra sự bất bình trong nhân dân và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, xã hội.

Vì những lý do trên đây, riêng năm 2013, Thanh tra Bộ VHTT&DL ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều ca sỹ, người mẫu, nhiều cuộc thi, buổi biểu diễn, trình diễn …Kết quả xử phạt vi phạm hành chính năm 2013 gần 100 triệu đồng.

Để Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTT&DL về biểu diễn nghệ thuật thực sự đi vào đời sống xã hội, nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đề nghị Bộ VHTT&DL cần nghiêm cứu, bổ sung một số hạn chế của Nghị định, Thông tư quy định việc tiếp nhận các ca sĩ nước ngoài về biểu diễn tại Việt Nam với mục đích doanh thu. Kịp thời có văn bản chấn chỉnh đối với công tác quản lý nhà nước và cấp phép biểu diễn nghệ thuật đối với các địa phương; cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, phối hợp với các chức năng xử lý vi phạm, kịp thời cung cấp trao đổi các thông tin cần thiết trong toàn quốc, để giúp công tác quản lý có giải pháp ngăn chặn sớm những vi phạm. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật, thanh tra để họ có đủ năng lực, hiểu biết tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong lĩnh vực nhạy cảm này. Mặt khác, ngành VHTT&DL các cấp tiếp tục tham mưu bổ sung sửa, đổi những hạn chế trong hai văn bản thuộc Nghị định và Thông tư trên, cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm trong các lực lượng thực thi, phối hợp, tạo môi trường cho nghệ thuật biểu diễn phát triển đúng hướng và lành mạnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân./.

Phan Thư Hiền


    Ý kiến bạn đọc