Vang mãi hào khí cách mạng của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh
EmailPrintAa
16:09 15/09/2014

Cách đây 84 năm, Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã diễn ra, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên. Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào Cách mạng trong những năm 1930 - 1931 và là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi cho phong trào đấu tranh của công nhân - nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong năm 1930 - 1931. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "xã bộ nông" mà các nhà lãnh đạo lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là "Xô Viết".

Dưới chế độ thực dân - phong kiến, tỉnh Hà Tĩnh không có công nghiệp. Còn tỉnh Nghệ An, tại ngã ba Vinh- Bến Thủy có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ô tô và một vài xưởng nhỏ, tất cả có 4.000 công nhân. Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, thường xảy ra bão lụt. Do đó nhân dân, nhất là nông dân đói khát, khổ sở.

Phong trào đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại ngã ba thành phố Vinh- Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố Vinh, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đó đến tháng 8/1930, đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nông, nổi bật là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Diêm kéo dài đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ.

Ngày 12/9/1930, thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy mười cây số), làm chết 217 người và 120 người bị thương. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết. Cuối tháng 8/1930, hàng chục vạn nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... nổi dậy với quy mô lớn, quyết liệt.

 

Xô Viết Nghệ tĩnh, cao trao cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931. Ảnh: tư liệu

 

Từ tháng 5 đến tháng 12/1930, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình, có 2.500 người tham gia. Cùng trong thời gian đó, 1307 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân tham gia. Có đến 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sĩ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày.

Sự hy sinh của hàng trăm người như chất men đưa cuộc đấu tranh đến cao trào: đốt huyện đường, phá nhà lao. Hệ thống chính quyền của thực dân, phong kiến bị tê liệt, một số tan rã. Xô viết Nghệ Tĩnh - một hình thức mới về chính quyền của người lao động ra đời làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Chính quyền Xô Viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thuỷ, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên... Các chính quyền Xô Viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu.

Nhưng những chính quyền chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng . Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp trở lại khủng bố dã man, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lắng xuống, rồi thoái trào. Hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ An, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã giành được sự ủng hộ dưới nhiều hình thức của các địa phương, đồng thời cũng là ngòi nổ kích thích phong trào cách mạng trên toàn quốc dâng cao. Mặc dầu cuối cùng, các Xô viết đều bị đàn áp, tổ chức cách mạng bị khủng bố và chịu những tổn thất to lớn, nhưng như đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết: “Tuy đế quốc đã dập tắt phong trào đó trong bể máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng tám thắng lợi lớn sau này”.

T.H


    Ý kiến bạn đọc