Năm 1966, đang là học sinh lớp 7/10, chưa tròn 18 tuổi, ông Lê Đức Tuyên (thôn Trung, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh) đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đường 9 Nam Lào trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất (từ 1966 – 1973). Tháng 4/1974, do sức khỏe yếu ông phục viên về địa phương với 8 viên bi nằm vĩnh viễn trên cơ thể cùng với chất độc dioxin ngấm sâu vào người.
Dù mang trong mình bao vết thương nhưng khi trở về quê, khắc sâu lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, ông vẫn luôn nỗ lực lao động sản xuất và tham gia nhiệt tình các công việc tập thể. Niềm hạnh phúc lớn lao khi ông lập gia đình với bà Võ Thị Hòa và sinh ra người con gái đầu khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Những tưởng cuộc sống của người thương binh chịu thương chịu khó sẽ cứ thế êm ả trôi đi, bù đắp cho bao năm tháng chiến tranh và những đau đớn về thể xác ông đang chịu đựng. Thế nhưng năm 1987, đứa con gái thứ hai ra đời, người còi cọc, đôi mắt ngơ ngác, không tự chủ được hành động của mình… đến nay, chị đã 29 tuổi nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn một tay bố mẹ chăm sóc, suốt ngày cười nói một mình vào ra trong căn nhà nhỏ hẹp.
Có lẽ, chẳng nỗi đau nào bằng nỗi đau của nạn nhân da cam, nhất là khi chính mình gây ra nỗi đau cho con cái. Càng đau khổ, xót xa ông Tuyên lại càng mạnh mẽ. Ông cùng bà chăm sóc, nuôi nấng các con, và tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội. 38 năm liên tục hoạt động và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từ cán bộ BCH đoàn xã, cán bộ Thống kê – kế toán, đến phó chủ nhiệm hợp tác xã và cán bộ tài nguyên môi trường. Hiện nay, ông là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban mặt trận thôn Trung, phó chủ tịch UBMTTQ xã kiêm Trưởng ban thanh tra nhân dân. Ông cũng là thành viên tích cực của BCH Hội chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội Chất độc da cam xã Thạch Hạ. Không chỉ thế, ông còn cùng đồng đội cũ miệt mài vào Nam ra Bắc tìm hài cốt liệt sĩ – những người bạn chiến đấu thiếu may mắn đã nằm lại đâu đó trên dải đất hình chữ S thân thương.
Tham gia hoạt động xã hội là vậy, về với gia đình ông luôn là người chồng, người cha mẫu mực. Ông cùng vợ xây dựng khu chăn nuôi thả gà theo mô hình, nuôi bò nái đẻ, nuôi trồng thủy hải sản… hàng năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Năm 2009, khi Hội chữ thập đỏ vận động hiến giác mạc, gia đình ông sẵn sàng xung phong hiến đầu tiên. “Tôi là người may mắn, còn được trở về sau chiến tranh, vì vậy hễ làm được việc gì có ích tôi sẽ làm hết sức. Tuy tuổi đã cao nhưng tôi còn muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội” – ông Tuyên chia sẻ.
Cũng từng “vào sinh ra tử” ở các chiến trường Bình – Trị - Thiên trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, trở về quê hương khi đất nước sạch bóng quân thù, ông Hoàng Văn Toàn và bà Phạm Thị Liên (thôn Tân Lộc, xã Thạch Điền, Thạch Hà), quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 1972, ông Toàn xung phong tham gia vào lực lượng dân công hỏa tuyến chống Mỹ ở chiến trường Bình – Trị - Thiên, nhưng do bị nhiễm chất độc da cam nên được chuyển về tuyến sau tại quân đoàn 200, Cục hậu cần QK4, nơi trực tiếp đón thương bệnh binh từ chiến trường ra. Tháng 3/1979 Tổng tiến công nổ ra ở cả nước, ông lại xung phong lên đường, đến năm 1980 thì xuất ngũ về địa phương. Bà Liên, vợ ông quê gốc ở Thanh Hóa cũng từng tham gia ở quân đoàn 200, Cục hậu cần QK4, vì mến tính chân chất, thật thà mà dũng cảm của người con trai Hà Tĩnh nên khi hòa bình lập lại bà đã cùng ông Toàn xây dựng gia đình và lập nghiệp.
Trở về quê hương chưa được bao lâu, do di chứng của chất độc da cam ông Toàn bị bại liệt. Loại hoá chất độc hại ấy không chỉ gặm nhấm dần sức khoẻ của ông mà còn để lại di chứng cho người con trai thứ tội nghiệp Hoàng Văn Hiếu (sinh năm 1991) và người cháu nội Hoàng Bảo Nguyên (sinh năm 2010). Thế nhưng, đau ốm, bệnh tật và sự nghèo khó đã không thể thắng nổi bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ. Sau thời gian dài chữa trị, ông Toàn đã có thể vận động trở lại. Bước đi dù còn yếu, ông vẫn cố gắng phụ giúp vợ con những công việc nhẹ, ông còn bàn với vợ con làm trang trại, trồng rừng. Lao động không chỉ mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình mà còn là cách để ông chiến đấu với chất độc da cam.
Hậu quả chiến tranh với những mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể của người lính năm xưa. Chất độc da cam/dioxin vẫn từng ngày hành hạ họ và những người con, người cháu vô tội của họ. Nhưng là những người từng vào sinh ra tử, từng hy sinh một phần xương máu bảo vệ nền độc lập dân tộc – họ không bao giờ chấp nhận đầu hàng số phận.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện vượt lên chính mình của những nạn nhân chất độc da cam mà chúng tôi may mắn được tiếp xúc. Trong hành trình vượt lên số phận nghiệt ngã, các nạn nhân chất độc da cam không chỉ hành động cho bản thân mà còn nêu lên tấm gương sáng cho cả cộng đồng, viết tiếp bản hùng ca hào sảng giữa đời thường./.
Thu Hà
(*)Trích lời kêu gọi chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của Chủ tịch Hội chất độc da cam Việt Nam.
Tin mới cập nhật
- Mối quan hệ giữa hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ( 15/09)
- Ngành Tuyên giáo của Đảng 84 năm xây dựng và trưởng thành ( 15/09)
- Cờ đỏ sao vàng – Hồn thiêng Tổ quốc ( 15/09)
- Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” ( 15/09)
- Công an Hà Tĩnh góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy sự phát triển tại Khu kinh tế Vũng Áng ( 15/09)
- Để Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống ( 15/09)