Chuyện về ông Thừa Thái (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh)
EmailPrintAa
15:55 08/09/2014

Hầu như những người cao niên ở huyện Cẩm Xuyên không ai là không biết ông Thừa Thái. Ông tên thật là ông Nguyễn Hữu Thái, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 – 1931. Ông là người có công lớn trong việc cướp chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở huyện Cẩm Xuyên.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở tại làng Nhân Lộc, xã Thạch Khê Trung (làng Nhân Lộc nay là Quang Sơn - Cẩm Quang). Ông là người đứng đầu trong những người theo Đảng đầu tiên để gây dựng phong trào cách mạng tại xã Thạch Khê Trung và hoạt động mở rộng ra các xã: Cẩm Tiến (nay là Thị trấn Cẩm Xuyên), Cẩm Hưng, Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Yên... Những năm 1930 – 1931, bọn Thực dân Pháp cùng bọn tay sai trong nước làm cho dân ta trăm đường khổ cực. Đảng viên lúc bấy giờ quá ít, ông đã vận động những quần chúng tốt, cả những lý tưởng tin cậy để bí mật giúp Đảng ta. Ông hoạt động hết sức khéo léo, nên được dân tin tưởng. Ông thường hẹn những anh em, đồng chí mình đến tại đền Lộc Sơn hay đỉnh rú Trốôc (thuộc xã Cẩm Huy hiện nay) để họp bàn. Không kể ngày đêm, mưa nắng, vượt qua những khó khăn của ngày đầu cách mạng, ông đã đi tuyên truyền giải thích cho nhân dân về tổ chức Đảng, về đường lối cách mạng, vận động nhân dân đi theo Đảng, theo cách mạng….

Biết được một Đảng viên đang hoạt động tích cực trong lòng dân, bọn địch đã ráo riết lùng bắt. Chúng vào từng làng, từng nhà để tra xét, hòng bắt cho kỳ được ông Thừa Thái. Nhưng ông vốn có tài trá hình và giả vờ rất giỏi. Có lần bọn lính biết đích xác là ông ở nhà nọ, chúng đã lục thẳng vào ngõ lúc nào mà cả nhà không ai biết. Ông vội tìm kế để thoát thân, bằng cách: Ông nhanh chóng bảo anh chủ nhà lách cửa sau đi sang nhà khác, còn ông giả vờ vớ lấy đôi quang gánh của chủ nhà đem ra đống phân trâu đã hoai vừa xúc phân vào gánh, vừa bảo chị chủ nhà (nói giả vờ như vợ mình): Tôi gánh phân đi trước, mẹ mi đi sau nhớ cầm con dao theo, nếu có thiếu ngọn khoai thì ta cắt để trồng. Bọn lính quát tháo lục lọi, hỏi gằn chị chủ nhà:

- Thừa Thái trốn tại nhà này đâu rồi?

Và ông Thừa Thái cứ thản nhiên, bình tĩnh gánh phân đi ra ngõ. Chúng nhìn theo ông, rồi quay lại quát tiếp chị chủ nhà… Chị dứt khoát nói:

- Các ông vô cớ quá, tôi biết Thừa Thái là ai, làm gì…các ông nhầm rồi, ra đi để tôi đi trồng khoai, không chồng tôi về lại lôi thôi…

Bọn lính Tây đành chịu và rút lui…

Lần khác thì ông giả vờ đi nhặt phân trâu ngoài đường; lần thì đi lên rừng kéo gỗ với mọi thứ lỉnh kỉnh… Nhưng tất cả đều vì mục đích để tìm mối liên lạc, gây dựng phong trào. Cứ như vậy bọn chúng không thể bắt được ông. Bọn Tây tuyên bố: “Nếu không bắt được Thừa Thái thì sẽ đốt hết nhà của xã Thạch Khê Trung, đốt cả rú Trốôc để bắt bằng được”. Suy tính mãi và biết được ý định của chúng sẽ làm thật việc đó. Ông bèn họp bàn báo cáo với chi bộ và nhân dân. Trước nhân dân, ông khẳng khái nói: Tui bỏ đi nơi khác thì dễ, nhưng bọn chúng mà không tìm thấy tui, thì cả làng bị hại. Thôi, cứ để chúng bắt, tôi chịu khổ một mình còn hơn dân cả xã chịu khổ…” Rồi ông báo với bọn cường hào là mình trốn ở đâu. Đó là năm 1933, bọn chúng bắt ông tại Cẩm Yên và đưa ra giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Sau bao lần tra khỏi, đánh đập, không moi được tin gì từ ông. Chúng lại đem ông giam cầm tại Nhà lao Lao Bảo. Dùng hết cách tra tấn dã man, ông vẫn quyết không khai. Cuối cùng chúng đưa ông vào nhà lao Buôn Mê Thuật.

Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ông được trả tự do. Ông trở về quê hương và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông liên lạc với các Đảng viên, chi bộ gây dựng lại phong trào. Ông kiến nghị với chi bộ để kết nạp thêm một số Đảng viên mới. Dưới sự chỉ đạo của ông, Mặt trận Việt Minh xã Thạch Khê Trung được thành lập. Sau đó, Ủy ban khởi nghĩa của huyện Cẩm Xuyên do ông Thừa Thái và ông Bích (Cẩm Tiến), ông Đào (Cẩm Yên), ông Cổn (Cẩm Dương) ra đời, tập hợp nhân dân để làm cách mạng. Ngày 14/8/1945, cuộc biểu tình diễn ra từ Gia Hội (Thị trấn Cẩm Xuyên bây giờ) do các ông tổ chức đã diễn ra. Dòng người đi tới Thạch Khê Trung rồi ra Nhược Thành, chùa hội quán Thạch Khê Thượng (Cẩm Quang bây giờ) vừa đi vừa diễn thuyết, tuyên truyền đường lối Việt Minh để phát huy sức mạnh chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Đi đến đâu là đoàn người đông đến đó…

Ngày 17/8/1945, Mặt trận Việt Minh do các Đảng viên mà ông Thừa Thái là người đứng đầu đã tổ chức cướp chính quyền tại huyện Cẩm Xuyên. Ngày 18/8/1945 toàn tỉnh Hà Tĩnh nắm được chính quyền trong tay mình. Sau đó huyện Cẩm Xuyên thành lập luôn Ủy ban lâm thời huyện Cẩm Xuyên do ông Thừa Thái làm Chủ tịch lâm thời. Thời gian sau ông Thừa Thái làm bầu làm Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên. Năm 1947, ông được lên tỉnh. Năm 1950, Trung ương điều ông ra làm công tác dân vận. Năm 1956, ông giữ trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Sau đó, Trung ương lại điều ông tiếp tục ra công tác tại Trung ương cho đến khi nghỉ hưu.

Cả cuộc đời gian lao vất vả, đầy cống hiến hy sinh của Thừa Thái là một tấm gương sáng cho lớp lớp Cẩm Xuyên nói riêng và Hà Tĩnh nói chung về lòng nhiệt tình cách mạng, về ý chí vươn lên, về sự ham học hỏi, vượt qua gian khó, tìm ra hướng đi đúng cho bản thân, vì lợi ích chung của tập thể.

Nguyễn Huy Liệu


    Ý kiến bạn đọc