Giải pháp hữu hiệu kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ
EmailPrintAa
15:07 09/09/2014

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng phương tiện ô tô vận tải hàng hóa của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an, trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt trong công tác kiểm soát tải trọng xe, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh tình trạng phương tiện ô tô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, công tác kiểm soát tải trọng xe đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác tuyên truyền đã được quan tâm, công tác kiểm tra xử lý đã đạt được kết quả tích cực.

 

Ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã phối hợp Công an tỉnh tổ chức họp quán triệt chủ đề năm ATGT 2014 “Tăng cường quản lý hoạt động vận tải và siết chặt kiểm soát tải trọng xe” và tập huấn Nghị định 171/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe trên địa bàn. Sau hội nghị đã ký cam kết với trên 50 doanh nghiệp vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; đã yêu cầu hơn 500 chủ xe với 850 xe tải thùng hàng lớn ký cam kết không chở quá tải trọng, nếu bị phát hiện và xử phạt hành chính 02 lần thì phải tự nguyện cải tạo thành thùng đúng theo quy định. Đã tổ chức trực tiếp tuyên truyền, ký cam kết cho 107 chủ doanh nghiệp khai thác mỏ vật liệu trên địa bàn toàn tỉnh về thực hiện bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng quy định

Song song với công tác tuyên truyền, đã phân cấp kiểm soát tải trọng xe khá rõ: Đối với Quốc lộ trách nhiệm của Phòng CSGT, Thanh tra Tổng cục Đường bộ và Thanh tra Sở; đối với tuyến đường tỉnh trách nhiệm của Công an các huyện và Thanh tra Sở; đối với các đường huyện, đường giao thông nông thôn trách nhiệm thuộc về Công an huyện và Công an xã.

Một trong các giải pháp mà Hà Tĩnh đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục thành lập Trạm Kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động với cơ cấu tổ chức của Trạm gồm Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và Kiểm soát quân sự. Trạm KTTTX lưu động là tổ chức chuyên trách kiểm soát, phát hiện để xử lý các phương tiện vận tải vi phạm chở hàng hóa vượt quá khổ giới hạn của cầu đường, quá khổ giới hạn của phương tiện, quá tải trọng của cầu đường, quá tải trọng của phương tiện (sau đây gọi tắt là quá khổ, quá tải) nhằm kiểm soát tải trọng xe lưu động trên địa bàn Hà Tĩnh (chủ yếu là Quốc lộ).

Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động có 30 cán bộ, chiến sỹ, gồm: Thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, chiến sỹ Kiểm soát Quân sự; Thanh tra giao thông - Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tất cả các lực lượng này chia thành 03 Tổ, thực hiện nhiệm vụ 3 ca 24/24h. Kể từ ngày 3/3/2014 Trạm KTTTX đã thực hiện kiểm tra trên các tuyến đường bộ; kể từ ngày 01/4/2014 hoạt động 24/24h trong ngày và 07 ngày trong tuần trên các tuyến quốc lộ (chủ yếu trên tuyến QL1 theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN). Quá trình thực hiện nhiệm vụ Trạm KTTTX đã thực hiện đúng các quy định về kiểm tra tải trọng xe, công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia đã làm đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Trạm, thực hiện đúng nhiệm vụ công vụ và phòng chống tiêu cực.

Kết quả kể từ ngày 03/3/2014 đến 18/8/2014, Trạm KTTTX lưu động Hà Tĩnh đã cân kiểm tra tải trọng xe 3.870 phương tiện, lập biên bản vi phạm 579 phương tiện, xử phạt với số tiền 5.517.600.000 đồng.

Bên cạnh Trạm KTTTX lưu động của tỉnh; Công an tỉnh, Thanh tra giao thông và Công an các huyện đã tổ chức phối hợp kiểm tra tải trọng xe bằng các bộ cân xách tay, trong đó tập trung xử lý xe đối phó vòng tránh Trạm KTTTX lưu động và một số tuyến có tình hình quá tải phức tạp.

Để thực hiện tốt việc kiểm soát tải trọng xe, UBND đã giao Công an tỉnh (CSGT) phối hợp Sở GTVT và Đăng kiểm Hà Tĩnh thành lập tổ liên ngành kiểm tra xử lý đối với vi phạm về tự ý cải tạo phương tiện (ô tô) chở hàng nhằm xử lý chủ xe cơi nới thành thùng, vận chuyển quá tải trọng.

Từ thực trạng, đề ra giải pháp hữu hiệu

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Trạm KTTTX lưu động gặp rất nhiều khó khăn, tồn tại như: Nhiều xe vi phạm quá tải khi phát hiện Trạm KTTTX lưu động, thì dừng xe vào các cửa hàng xăng dầu, bãi đất trống, dừng dọc hai bên đường trốn tránh, viện dẫn nhiều lý do gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của Trạm. Tuy đã sử dụng các bộ cân xách tay để kiểm tra, nhất là việc đã dùng xe cứu hộ để cưỡng chế các phương tiện không chấp hành nhưng hiện tượng trốn tránh vẫn còn xảy ra. Lực lượng tại Trạm KTTTX lưu động thực hiện nghiêm túc nên số phương tiện của các tỉnh khác bị xử lý khi qua Trạm Hà Tĩnh vẫn còn chiếm đa số, nhất là các tỉnh phía Nam. Chủ xe trình bày đã đi qua khá nhiều tỉnh nhưng không bị xử lý và cho rằng Hà Tĩnh làm quá gắt, gây khó khăn trong quá trình kiểm soát. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 500 km quốc lộ, hơn 358 km đường tỉnh quản lý, hơn 1.516 km đường huyện quản lý và hơn 11.877 km đường liên thôn liên xã trong khi chỉ có 01 Trạm KTTTX lưu động, thời gian qua chủ yếu kiểm tra trên QL1, chưa thể bao quát hết tình hình vi phạm chở quá tải trên tất cả các tuyến đường. Vì vậy, tình trạng vận tải quá tải trọng vẫn còn xảy ra khá phổ biến, ở diện rộng từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và cả đường giao thông nông thôn.

Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe vẫn còn hạn chế, đặt lợi ích kinh tế của mình lên trên vấn đề ATGT; việc chấp hành quy định về bốc xếp hàng hóa đầu nguồn hàng và thu nhận hàng hóa cuối nguồn chưa được thực hiện nghiêm túc; mặt khác, đó là công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng các cấp còn thiếu quyết liệt; sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành và chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc việc kiểm soát tải trọng xe, các sở, ban, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chặt chẽ các văn bản của Trung ương, của tỉnh về vấn đề trên. Trong đó, phải đề ra các giải pháp cụ thể tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kiên quyết trong công tác tuyên truyền, ký cam kết, giám sát việc thực hiện, bình xét thi đua, xử lý kỷ luật. Đặc biệt, cơ quan chức năng bố trí nhiều tổ tuần tra kiểm soát phân cấp cụ thể cho từng đơn vị, tập trung kiểm tra xử lý xe cố tình trốn tránh, đối phó Trạm KTTX, xử lý chuyên đề vi phạm quá khổ, quá tải trên diện rộng, khép kín địa bàn, tuyến đường, thời gian phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời, kiên quyết ngay từ đầu nguồn hàng và cuối cùng là rút giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy phép cấp mỏ vật liệu đối với các chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt như trên, Hà Tĩnh sẽ loại bỏ tình trạng vận chuyển quá tải trọng của phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn vào cuối năm 2014.

Trần Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải


    Ý kiến bạn đọc