"Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay đáng học tập"
EmailPrintAa
15:28 09/09/2014

Đó là lời ghi nhận của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh vừa qua. Trong quá trình thực hiện chương trình MTQGXDNTM Hà Tĩnh cũng được Trung ương tặng 10 chữ “chủ động, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả”. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao

Theo Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 2.974 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến 6 tỷ đồng/năm (trong đó có hơn 800 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có hiệu quả cao tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, thương mại dịch vụ, có 383 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm).

Sau khi Sơ kết thí điểm xây dựng 5 Khu dân cư NTM kiểu mẫu, đến nay đã có 373 Khu dân cư NTM kiểu mẫu đang được triển khai xây dựng; tất cả các tiêu chí đều có mô hình mẫu, riêng các sở ngành cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 38 mô hình theo 19 tiêu chí. Việc tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng có sự chuyển biến tích cực và hiệu quả. Các mô hình không chỉ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, tăng thu ngân sách mà đã “đánh thức” nhận thức, ý thức người dân và cán bộ trong tư duy phát triển kinh tế thị trường, xây dựng NTM, "khơi dậy", phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, miền.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển sản xuất, ưu tiên nguồn ngân sách thực hiện ngày càng cao, 70% vốn NTM hàng năm dành cho sản xuất trong đó có ít nhất 50% hỗ trợ lãi suất. Nếu năm 3013 là 80 tỷ thì năm 2014 ngân sách dành cho nông nghiệp là 170 tỷ đồng. Với cơ chế trao quyền đầy trong việc tự tổ chức triển khai. Cơ chế này đã thực sự tạo động lực khá tốt cho việc huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cũng như đảm bảo chất lượng công trình.

Xác định được vai trò quan trọng của nông nghiệp với kinh tế địa phương cho nên từ cuối năm 2010, Hà Tĩnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc xác định 13 sản phẩm hàng hóa chủ lực, trong đó trọng tâm là bốn con (lợn, tôm, bò, hươu) và ba cây (rau củ quả chất lượng cao, cam, bưởi đặc sản). Có những mô hình mang tính đột phá như: lợn, tôm, hươu, cam chất lượng cao và gần đây là mô hình rau củ quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển, tạo bước đột phát trong sử dụng vùng đất cát hoang hóa ven biển cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm...

Một số mô hình tiêu biểu mà cán bộ là người tiên phong đi đầu như mô hình tổng hợp kết hợp nuôi lợn siêu nạc quy mô lớn của ông Trần Xuân Bính (Sơn Long (Hương Sơn), mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm cá, lợn, trồng keo, dó trầm của ông Phạm Văn Ðức - Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh… Đến nay, thu nhập hàng năm từ các mô hình này đạt từ 2 - 4 tỷ đồng/ năm.

Gắn 3 hóa(Doanh nghiệp hóa - Liên kết hóa- xã hội hóa) trong xây dựng Nông thôn mới

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo MTQG xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự trong các chuyến đi kiểm tra các mô hình sản xuất mới xây dựng.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) được tỉnh “chọn mặt gửi vàng” cho các du quan trọng dự án “Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa Thạch Văn, dự án xây dựng trung tâm hươu giống, dự án chăn nuôi liên kết bò chất lượng cao . Đây là một trong số ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp có tiềm lực đủ mạnh để đảm nhận vai trò “người mở đường”. Tuy là lần đầu tiên tham gia với vai trò chủ đầu tư cho các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng Mitraco đã thực sự gắn kết và chiếm trọn được lòng tin của bà con nông dân tỉnh nhà.

Ngoài Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh hiện nay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng nhiều, nhất là mô hình liên doanh, liên kết như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với hình thức liên kết "chăn nuôi gia công". Doanh nghiệp đã xây dựng được hơn 100 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô từ 500 đến 1.200 con/lứa; doanh nghiệp liên kết với các xã triển khai trồng lúa chất lượng cao gắn tiêu thụ sản phẩm trên cánh đồng mẫu lớn. Các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và nhân rộng trên các lĩnh vực như chăn nuôi lợn, tôm, cánh đồng mẫu...

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư. Ðến nay, do xác định sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa chủ lực, các địa phương đã ban hành đồng bộ hệ thống, quy hoạch, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt, cho nên chương trình xây dựng NTM đã đạt kết quả toàn diện, đã có hàng chục xã đạt chuẩn và hiện chỉ còn 19 xã đạt dưới năm tiêu chí.

Đồng chí Lê Ðình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: với Hà Tĩnh, bản chất của công tác xây dựng NTM chính là nâng cao thu nhập của người dân. Ðể tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ khâu giống đến thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững. Sức mạnh liên kết không chỉ là yếu tố đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm mà còn thiết lập nên một nền sản xuất hàng hóa bền vững.

Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, bằng cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế địa phương, Hà Tĩnh đã được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là điểm sáng trong công tác xây dựng NTM.

Trà Giang


    Ý kiến bạn đọc