Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Hương Sơn khơi dậy dòng chảy văn hóa truyền thống
EmailPrintAa
16:17 08/09/2014

Hương Sơn trong những ngày vào thu thật thanh bình, nên thơ và cũng thật rộn ràng. Từng mái nhà, từng con ngõ, từng tổ dân phố và khắp làng trên xóm dưới đã và đang sôi nổi, náo nức với sự kiện văn hóa lớn trong huyện - Hội diễn văn nghệ quần chúng năm 2014. Sau hơn 3 tháng tập trung triển khai, đến nay, hội diễn văn nghệ quần chúng (VNQC) khối xã, thị trấn đã thành công ngoài sức tưởng tượng, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống .
 

Là một vùng quê sơn thủy hữu tình, có dãy Trường Sơn hùng vĩ, có dòng Ngàn Phố như dải lụa mềm, có hơn 12 vạn người dân cần cù lao động, dũng cảm chiến đấu, nhân nghĩa, hiếu học và nổi tiếng với những câu hò, điệu ví; Bởi vậy, dù thời gian lịch sử ghi dấu đơn vị hành chính của huyện đã trải qua hơn nửa thiên niên kỷ nhưng bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng của đất và người Hương Sơn vẫn lưu truyền và ngày càng phát triển. Điều này được thể hiện rõ qua hội diễn văn nghệ quần chúng ở các địa phương.

Chủ trương đúng, nhanh chóng đón nhận sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân làm dấy lên một khí thế của hội làng, hội thôn. Một sức sống mới, một mạch nguồn văn hóa dân gian như thấm sâu và lan tỏa. 32 xã, thị trấn với 32 buổi chung kết hội diễn trăm hoa đua nở, đa màu đa sắc. Điều thú vị là không chỉ giao lưu văn nghệ giữa các thôn, các khối phố mà còn có cả “hội diễn” giữa các tổ dân cư. Để có những buổi chung kết đã có những đêm sáng đèn ở hội quán, sân đình, cái tinh thần của “làng vui chơi, làng ca hát” râm ran, rạo rực khắp trong thôn, ngoài phố. Biết bao người dân ngày lao động sản xuất, tối vào vai diễn viên không chuyên say sưa dàn dựng, tập luyện, cháy hết mình trong tiếng nhạc, lời ca.

Chất lượng hội diễn là điều đáng ghi nhận. Nó thể hiện nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ và tiềm năng văn nghệ của quần chúng nhân dân vô cùng lớn và rất phong phú. Nét chung nhất về hội diễn của các địa phương là vừa có tính chuyên nghiệp đến ngạc nhiên vừa hồn nhiên, mộc mạc nét chân quê xứ Nghệ. Chương trình được dàn dựng công phu, đặc sắc, huy động lực lượng quần chúng đông đảo như các đơn vị thị trấn Phố Châu, xã Sơn Phú, Sơn Kim 2, Sơn Giang,… Hội diễn có tính nghệ thuật cao, lại đậm chất tự biên tự diễn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, tự hào về quê hương như các xã: Sơn Quang, Sơn Hòa, Sơn Hồng, Sơn Hàm… Công diễn ngoài trời với lượng khán giả lên tới ngàn người, đảm bảo ánh sáng, âm thanh và nhất là chất lượng đồng đều giữa các đội là các xã Sơn Ninh, Sơn Phúc, Sơn Thịnh,… Những đơn vị ở còn khó khăn như Sơn Bình, Sơn Lễ, Sơn Tân, Sơn An, Sơn Trà,… cũng đã bứt phá, tổ chức thành công và thu hẹp khoảng cách phong trào văn hóa văn nghệ giữa các vùng.

Đúng với tính chất văn nghệ quần chúng. Trước hết là lượng khán giả ở nơi nào cũng rất đông. Sự háo hức, đam mê, tinh thần vì màu cờ sắc áo của bà con nhân dân đã thổi bùng không khí hội diễn, tạo sân chơi lành mạnh, làm nên một lễ hội, bữa tiệc tinh thần giữa các khu dân cư. Tiếp đó là các diễn viên, nghệ sĩ không chuyên vốn chỉ quen việc đồng áng nhưng trên sân khấu họ “diễn” đều, đẹp, vào vai “ngọt” đến sững sỡ và đầy thán phục. Cứ mỗi hội diễn vòng chung kết có tới 100 đến 200 lượt diễn viên quần chúng. Họ ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần: nông dân, tiểu thương, cán bộ, hưu trí, sinh viên, học sinh, công chức, dân quân, v.v… . Người cao tuổi nhất đã bước qua tuổi “thất thập”, nhỏ tuổi nhất là các cháu mầm non. Các tiết mục cũng thật đa dạng về thể loại: ca múa nhạc, tiểu phẩm, hò, kịch, tổ khúc dân ca, độc tấu sáo trúc, v.v… Bởi vậy, Hội diễn VNQC chính là dịp đào sâu, phát hiện và làm bật nổi tiềm năng văn nghệ dân gian; tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Có thấy công chúng sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật mới thấy quả là sức dân như nước. Nhân dân hò reo, tán thưởng, những tràng pháo tay không ngớt, những trận mưa hoa tới tấp chúc mừng các tiết mục tuyệt hay như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (thôn Đồng Vực, xã Sơn Hòa), “Tổ quốc gọi tên mình” (khối 1, TT Phố Châu), “Linh thiêng Việt Nam” (thôn Đông Hà, xã Sơn Quang), “Tiểu phẩm Nông thôn mới” (thôn Trà Sơn, xã Sơn Phúc), “Em ở mô” (xóm 7, xã Sơn Diệm).v.v…. Chất lượng, quy mô hội diễn VNQC đã phản ánh đời sống hiện thực hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đồng thời minh chứng quan niệm của nhà thơ Tố Hữu: “Nhân dân là Bể/ Văn nghệ là Thuyền” còn nguyên giá trị.

Trực tiếp về dự đêm Hội diễn VNQC xã Sơn Ninh, đồng chí Đặng Quốc Vinh - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã khen ngợi: “Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) vừa ban hành Nghị quyết mới về văn hóa, huyện Hương Sơn đã kịp thời có chủ trương tổ chức hội diễn văn nghệ đến tận thôn, xóm là cách làm hay”. Còn khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi thưởng thức các tiết mục văn nghệ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy – trường PTTH Lê Hữu Trác bày tỏ: “Lâu lắm rồi, chúng tôi không được xem diễn văn nghệ ở làng.. Hôm nay, được ngắm cảnh đêm trăng, gió mát, thấy người dân ta hiền hậu, chan hòa trong phục trang mớ ba mớ bảy,…thật thú vị và yên bình. Nên có nhiều hội diễn như thế này nữa chị a!”.

Văn nghệ quần chúng diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân ta đang nô nức chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong khí thế của hướng về kỷ niệm 84 năm Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đó cũng chính là một lời tri ân của thế hệ mai sau để thiết thực tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là một hành động ý nghĩa để Hương Sơn kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng – người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên….Âm hưởng của hội diễn như những đợt sóng trào, lan tỏa và hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp truyền thống văn hóa quê hương và góp phần tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân của huyện Hương Sơn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Cù Bích Thuận


    Ý kiến bạn đọc