Thực trạng và giải pháp cho vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
16:21 08/09/2014

Hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiểm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…những loại hàng này thường có giá rẻ và do một số tiểu thương hám lợi nên đã trà trộn để bán lẫn với những mặt hàng tốt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
 

Kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng

 

Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.

Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phổ biến ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mẹt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là thực phẩm, thuốc chữa bệnh…giả, kém chất lượng.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ và nhập khẩu từ bên ngoài. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong thời gian qua là do siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này; trong khi các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

Hà Tĩnh không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc nhưng tình hình buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Hàng giả, hàng kém chất lượng tuy không có những ổ nhóm sản xuất lớn nhưng việc tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng ở các địa phương khác hoặc nhập lậu ở nước ngoài vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, một số sản phẩm hàng hoá được sản xuất từ các làng nghề, hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, truyền thống, không theo quy trình chuẩn nên sản phẩm làm ra vô tình trở thành hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; thậm chí một số sản phẩm được gắn nhãn các thương hiệu nổi tiếng và trở thành hàng giả nhãn hiệu.

Trong những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng Quản lý thị trường với vai trò là lực lượng chủ công đã không quản ngại khó khăn, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về quyền của người tiêu dùng, về các biện pháp bảo vệ bản thân trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Chi cục tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các trường hợp vi phạm. Hướng ưu tiên vào việc kiểm soát tình hình vận chuyển từ bên ngoài vào tiêu thụ tại tỉnh ta, nhất là những tuyến đường và địa bàn trọng điểm giáp ranh như: Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh. Chú trọng kiểm tra những mặt hàng, sản phẩm dễ bị làm giả như: Phân bón, bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm... Tăng cường kiểm tra theo mùa vụ như kiểm tra cung ứng vật tư nông nghiệp trước khi vào mùa vụ sản xuất; kiểm tra thị trường bánh trung thu vào dịp rằm tháng 8 âm lịch .v.v.

Trong 8 tháng đầu năm 2014 đã kiểm tra, xử lý trên 300 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; phạt thu nộp ngân sách trên 1,2 tỷ đồng; tịch thu tiêu hủy một số lượng lớn hàng hóa gồm: 8500 chiếc kem, 6170 hộp bánh kẹo, 4820 gói dầu gội, 2000 kg thực phẩm, 1000 chai nước giải khát, 1200 mũ bảo hiểm, 500 thiết bị điện tử, điện dân dụng, 380 hộp mỹ phẩm, 291 đôi giày dép, 200 hộp dầu ủ tóc, 200kg bột ngọt, 14000 ke chống bão và nhiều hàng hóa vi phạm khác; trị giá hàng tiêu hủy ước tính trên 500 triệu đồng.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, kiểm soát viên trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lực lượng QLTT Hà Tĩnh đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, được người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính tin yêu, ủng hộ; xứng đáng là lực lượng chủ công, quan trọng, không thể thiếu trên mặt trận đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong thời gian tới, để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc có hiệu quả, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đó chính là yếu tố mang tính quyết định. Qua đó để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng nhằm đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời,  kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo pháp luật kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng phát hiện được.

Hai là, Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại, trong nhân dân để người kinh doanh và người tiêu dùng nhận thức đầy đủ các tác hại và hậu quả của việc sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nhập hàng có đầy đủ hoá đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, hàng hoá đầy đủ tem nhãn, đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng .v.v. Kiên quyết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tích cực thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh. Đối với người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ, xem hạn sử dụng, mua hàng lấy hoá đơn và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, phản ánh kịp thời, trung thực chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, về tình hình hàng giả và công tác chống hàng giả của các cơ quan, lực lượng có chức năng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả.

Ba là, Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên các lĩnh vực, mặt hàng, ngành hàng, địa bàn trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trước mắt, tập trung các địa bàn trọng điểm như: Hương Sơn, Nghi Xuân, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh tại các trung tâm thương mại, các chợ, siêu thị, các thị trấn, thị tứ; nơi phát luồng hàng và nơi tập trung phân phối; các phương tiện vận chuyển hàng về vùng sâu, vùng xa...

Bốn là, Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phải xây dựng các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn, đảm bảo ATTP để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đầu tư mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng tốt, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; sản phẩm được đăng ký bảo hộ, được công bố chất lượng, đầy đủ nhãn mác và đặc biệt doanh nghiệp phải biết bảo vệ sản phẩm của mình khi bị làm giả, bị xâm phạm quyền SHTT; phải xác định trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, tích cực liên kết với các nhà sản xuất; thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng bảo đảm tính hợp pháp của hàng hóa bán ra, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Năm là, Cần đầu tư nâng cao năng lực thực thi công vụ cho các lực lượng có chức năng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho cán bộ công chức; đầu tư trang thiết bị nhận biết, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; hỗ trợ phương tiện, kinh phí .v.v.

Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc là nhiệm vụ nặng nề, lâu dài và vô cùng khó khăn, tuy nhiên tin tưởng rằng với sự nhận thức đúng đắn về tệ nạn này và với sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên trong công tác đấu tranh, sự đồng thuận của xã hội, sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành và đặc biệt là sự tin yêu, đồng tình ủng hộ của công chúng người tiêu dùng và các doanh nghiệp, chắc chắn lực lượng Quản lý thị trường sẽ góp phần vào sự phát triển thị trường tỉnh nhà, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Nguyễn Văn Thảo - Chi cục Quản lý Thị trường Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc