Hà Tĩnh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945
EmailPrintAa
10:47 07/11/2012

Những ngày này, lật giở cuốn Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh (Tập 1, 1930 - 1945), mỗi chúng ta  vẫn thấy hừng hực khí thế quật khởi của những ngày tháng Tám lịch sử cách đấy 67 năm. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Ủy ban khởi nghĩa, cán bộ và quần chúng nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền, trở thành một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám trong cả nước.

Năm 1945, cục diện chiến tranh trên thế giới và phong trào cách mạng ở Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng, ở Việt Nam mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng lên cao. Trước tình hình quân Đồng minh sớm muộn gì cũng vào giải giáp ở Đông Dương, phát xít Nhật càng xúc tiến âm mưu tiêu diệt thực dân Pháp để trừ mối lo về sau. Đêm ngày 9/3/1945, quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp, nắm quyền thống trị trên toàn Đông Dương. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị mở rộng nhận định tình hình cách mạng và đề ra chủ trương mới. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó nêu rõ kẻ thù chính lúc này là phát xít Nhật và phát động “Cao trào kháng Nhật cứu nước” sâu rộng trong toàn quốc. Cùng với nhân dân cả nước, cao trào kháng Nhật của quần chúng nhân dân Hà Tĩnh lúc này phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp diễn ra.

Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh (Tập 1, 1930 -1945) ghi rõ: đại biểu phân khu Nam Hà khi nhận được tin Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh đã triệu tập hội nghị khẩn cấp ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vào ngày 13/8/1945. Hội nghị  nhận định: thời cơ đã đến, nếu không kịp thời khởi nghĩa giành chính quyền, khi quân Đồng minh vào sẽ rất trở ngại cho cách mạng, bởi vậy Hội nghị đã quyết định lấy bạo lực chính trị của quần chúng làm lực lượng chủ yếu, nhanh chóng đập tan bộ máy chính quyền bù nhìn tay sai, kết hợp thuyết phục dụ hàng bọn cầm đầu để tránh đổ máu; đề cao khí thế đấu tranh của quần chúng, hạ uy thế của kẻ địch bằng cách tổ chức những cuộc biểu tình vũ trang, tuần hành liên tiếp 3 ngày trước khi khởi nghĩa. Ngay sau Hội nghị kết thúc, Uỷ ban khởi nghĩa đã thông báo kết quả cho các huyện và yêu cầu lập ngay uỷ ban khởi nghĩa, phân công chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa lúc đó, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh đã phát lệnh khởi nghĩa. Sau khi có lệnh khởi nghĩa, công tác chuẩn bị được thực hiện khẩn trương. Các uỷ ban khởi nghĩa được thành lập và họp bàn kế hoạch giành chính quyền; các đội tuyên truyền xung phong làm việc với tinh thần khẩn trương; các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy lôi cuốn hàng vạn người tham gia… Lúc bấy giờ, khắp làng quê, ngõ xóm đều rộn ràng tiếng tù và, tiếng chiêng, trống cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiều nơi quần chúng đã bắt hương lý giao lại sổ sách, triệt bạ. Bộ máy chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, xã nhanh chóng tê liệt. Bọn quan lại tay sai của Nhật hoang mang; một số công chức nhỏ ở huyện, tỉnh đã tham gia Việt Minh hoặc nhận làm việc cho Việt Minh; nhiều đồn binh của địch đóng cửa bất động… Trước tình hình đó, các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân ở các địa phương đã sớm chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, lần lượt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong khí thế sục sôi tinh thần cách mạng, ngày 16/8/1945, một nhóm thanh niên cứu quốc ở Can Lộc đã huy động một số thanh niên mang giáo mác vào tước vũ khí của lính bảo an, bắt giữ tri huyện và chiếm huyện đường Can Lộc, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh. Ngày 17/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa huyện huy động đông đảo quần chúng vũ trang biểu tình, tuyên bố giành chính quyền ở huyện lỵ và phân công tổ chức giành chính quyền ở các xã. Cùng ngày, Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà đã ra lệnh cho Uỷ ban khởi nghĩa huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên lãnh đạo quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Việc giành chính quyền ở Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên nhanh chóng thành công đã tạo niềm tin cho nhân dân đối với uỷ ban khởi nghĩa và góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Sáng 18/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà gửi thư cho đơn vị Nhật đóng tại Thị xã Hà Tĩnh yêu cầu chúng không được can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời huy động hàng ngàn người dân kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng. Vốn đã hoang mang dao động, lại ở tình thế không thể chống cự, tỉnh trưởng đã chấp nhận ký giấy trao trả chính quyền cùng toàn bộ sổ sách, ấn tín, súng đạn và tiền bạc cho dân. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã thắng lợi nhanh gọn, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Gần trưa ngày 18/8/1945, hoà trong không khí rợp cờ đỏ sao vàng với niềm vui hân hoan, quần chúng nhân dân nô nức tiến về sân vận động Thị xã Hà Tĩnh chứng kiến lễ trọng đại ghi nhận sự ra đời của chế độ mới. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, hòa trong khí thế quyết tâm cao, cùng ngày 18/8, Uỷ ban khởi nghĩa các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ lãnh đạo quần chúng vũ trang biểu tình vây huyện đường và giành lấy chính quyền. Cũng trong thời gian này, khi biết được âm mưu một số tán quân Pháp có ý định nhảy vào Nghệ Tĩnh lập lại ách thống trị, Việt Minh liên tỉnh ra thông tri khẩn cấp thúc dục các địa phương lập tức giành chính quyền và tổ chức ngay cứu quốc quân để sẵn sàng đối phó với âm mưu của Pháp.

Ngày 19/8/1945, nhận được Thông tri của Việt Minh, Uỷ ban khởi nghĩa Nghi Xuân đã lập tức chuyển mít tinh thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Uỷ ban Việt Minh Hương Sơn vận động quần chúng biểu tỉnh, thị uy kéo đến chiếm đồn lính bảo an, giành chính quyền ở huyện và tiến tới giành chính quyền ở các xã.

Hương Khê là một huyện xa trung tâm nên thông tin nhận được chậm, đến ngày 21/8/1945, được sự giúp sức của cán bộ và lực lượng của Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà, Uỷ ban khởi nghĩa huyện tổ chức quần chúng kéo đến tước khí giới đồn Chu Lễ, tiếp quản huyện lỵ, chỉ đạo các địa phương khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh diễn ra khẩn trương, giành thắng lợi trọn vẹn chỉ trong 5 ngày (từ 16 đến 21/8/1945). Trong niềm vui chung của đất nước, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh có quyền tự hào rằng trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng ở các địa phương trên toàn dân tộc. Bằng cuộc cách mạng Tháng Tám, quân dân Hà Tĩnh cùng nhân dân cả nước vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa cách mạng nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tinh thần cách mạng Tháng Tám quật khởi trở thành mạch nguồn vô tận, động lực mạnh mẽ thôi thúc Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển. Thắng lợi vĩ đại đó đã khẳng định tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, khát vọng tự do, hòa bình của nhân dân Hà Tĩnh và của toàn dân tộc Việt Nam.

Giờ đây, mỗi khi ôn lại những cuộc đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền của cha anh ta trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám 1945, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh càng tự hào hơn và càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ đó, mỗi người đều nêu cao tinh thần quyết tâm bền gan, vững chí, vượt qua khó khăn, thử thách, cùng chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh đề ra, sớm đưa Hà Tĩnh vững bước tiến lên trên chặng đường phát triển mới.


    Ý kiến bạn đọc