Mối quan hệ gắn bó thuỷ chung giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Bôlykhămxay: Thêm sâu đậm sau mỗi chuyến đi
EmailPrintAa
10:53 07/11/2012

Hà Tĩnh - một tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam, có đường biên giới với Lào dài 145 km. Hà Tĩnh giao thương với các tỉnh của Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Mối gắn kết giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Bôlykhămxay của Lào được định hình trong lịch sử phát triển của hai dân tộc.

Sự giao lưu giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Bôlykhămxay thực sự là những người hàng xóm tốt, tắt lửa tối đèn có nhau. Đối với nhân dân Hà Tĩnh, các mối quan hệ giao thương, làm ăn và hỗ trợ cho nhau giữa Lào - Việt, Việt - Lào là điều tất yếu. Người Hà Tĩnh, người Khăm Muộn và Bôlykhămxay không có khoảng cách, sống gần gũi, tôn trọng, hợp tác cùng phát triển.

Trong chuỗi các hoạt động của "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012" kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác (18/7/2012) và 50 năm ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/2012), Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã sang thăm, làm việc tại các tỉnh Khăm muộn, Bôlykhămxay và thủ đô Viêng chăn nước CHDCDN Lào từ ngày 25/6 đến ngày 30/6/2012. Chuyến thăm và làm việc của Đoàn đã tăng thêm sự hiểu biết của mỗi bên trên các lĩnh vực công tác, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng tham mưu trên lĩnh vực tư tưởng, đồng thời làm cho mối quan hệ gắn kết giữa Việt Nam - Lào ở các địa phương ngày càng đi vào chiều sâu.

Sau nghi lễ ngoại giao, những cái ôm thắm thiết của người anh em, những câu chuyện cởi mở đã làm cho mối quan hệ giữa những con người của hai đất nước xích lại gần nhau hơn. Tôn trọng, mong cho nhau được vui vẻ, hạnh phúc và phát triển, phía bạn đã tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay - lễ chỉ dành cho những người anh em đúng nghĩa. Trong Đoàn ai nấy đều dâng lên nỗi niềm khó tả, thấy được rằng trên con đường đi tới, chúng ta còn có người anh em Lào đồng hành cùng phát triển.

Những con đường mà Đoàn công tác đi qua, trong bạt ngàn tít tắp núi rừng trên các miền đất của Lào, cây cao su Hà Tĩnh đã cắm rễ, xanh lá và hứa hẹn những mùa khai thác đạt năng suất cao khẳng định sự hòa nhập, đan xen giữa hai địa phương của hai nước.

Đoàn được đến thăm Công ty khai thác, chế biến Thạch Cao của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh đóng ở tỉnh Khăm muộn. Hoạt động của công ty đã phát huy thế mạnh của Lào, mang lại lợi ích kinh tế cho đôi bên và quan trọng hơn là giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các huyện của tỉnh Khăm muộn. Khi đến thăm và động viên những người cán bộ quản lý người Việt Nam xa quê hương và những người công nhân Lào làm việc nơi đây, nhìn gương mặt ai ai cũng tươi vui, rạng rỡ, mỗi thành viên trong Đoàn đều cảm nhận được sự phấn khởi của họ khi công ty đang trên đà phát triển.

Trên các con đường sang Việt Nam, từng đoàn xe chở những sản vật của Lào đang tiến về Cảng Vũng Áng, đưa tiềm năng của Lào ra với thế giới. Thời gian Đoàn công tác ở Lào cũng là thời điểm hai nước, các địa phương của Lào và Việt Nam chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phonesack Vũng Áng - Việt Nam.

Con em các bộ tộc Lào đang học tập tại Trường Đại học ở Hà Tĩnh ngày càng đông, đây là lực lượng mang tri thức về khoa học công nghệ, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước mình. Phía Lào khẳng định đây là lực lượng lao động góp phần quan trọng cho các địa phương của Lào trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến Bảo tàng đồng chí Cay xỏn Phômvihản, Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu về thân thế và cuộc đời hoạt động của người đồng chí, người bạn chiến đấu của Bác Hồ. Nhằm khẳng định hơn về mối tình Việt - Lào, anh hướng dẫn viên bảo tàng thường xuyên đưa nét tương đồng trong văn hóa, cách mạng của hai nước để minh chứng cho sự đoàn kết bên nhau của hai dân tộc và khẳng định tính tất yếu trong sự đồng hành của cách mạng hai nước cả trong kháng chiến, hiện tại và tương lai. Những ngày được thăm và làm việc ở Lào, mỗi thành viên trong Đoàn công tác đều có chung cảm nhận sống trên đất nước bạn gần gũi, mến thương như được sống trên quê hương mình. Đoàn đã được đi trên những con đường mà năm xưa những người chiến sĩ tình nguyện của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng hành quân giúp bạn chiến đấu chống kẻ thù. Có những người hi sinh và đang nằm lại nơi đây chưa kịp về quê mẹ, các anh nằm lại trong sự chăm sóc, nâng niu của bà con các bộ tộc Lào. Đoàn cảm nhận được những tình cảm ấm áp của nhân dân Lào đối với bộ đội Việt Nam và cảm nhận dược tình thân giữa người Hà Tĩnh với người Bôlykhămxay và Khăm muộn.

Dấu ấn Việt Nam, dấu ấn của con người Hà Tĩnh có mặt khắp các vùng miền của đất nước Lào. Đâu đâu, những nơi Đoàn đến, dừng chân đều cảm thấy như sống ở quê nhà, đều nhận được tình cảm thiết thân của những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp và hơn hết đó là tình cảm của những người anh em dù khó khăn gian khổ vẫn cùng nhau vươn lên và trong hạnh phúc vinh quang đều cùng nhau tiến bước.

Để rồi trong buổi gặp gỡ chia tay, các chàng trai, cô gái Lào mượt mà với câu hát "người ơi, người ở đừng về", còn những người trong Đoàn công tác vẫn lâng lâng bởi chén rượu Lào và điệu múa Lăm vông. Dù tiếng hát chưa tròn, điệu múa chưa thuần thục nhưng mỗi người trong Đoàn cũng như chủ nhà đều cảm thấy ấm lòng và tin cậy.

Sự nhiệt thành và tình cảm của bạn đáng trân trọng bao nhiêu, mỗi thành viên trong Đoàn như được động viên khích lệ thêm trong nỗ lực hoạt động của mình nhằm góp phần xây đắp, củng cố mối quan hệ Việt - Lào truyền thống thủy chung.

Chuyến đi của Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó là trao đổi và làm phong phú, giải quyết một cách có hiệu quả các yêu cầu trong công tác tư tưởng, lý luận của tỉnh. Gắn lý luận với thực tiễn, góp phần đấu tranh có hiệu quả các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng và chia rẽ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt - Lào. Qua chuyến thăm, Đoàn đã góp phần bổ sung cho phía Ban Tuyên huấn các tỉnh của Lào những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ. Hai bên đã có những cam kết về trao đổi thông tin thường xuyên để hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tỉnh. Với những chuyến đi như thế, với những hoạt động và giao lưu ý nghĩa ấy đã góp phần làm cho quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước, làm cho mối quan hệ Việt - Lào thực sự "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".


    Ý kiến bạn đọc