Sự kiện thế giới nổi bật thời gian qua
EmailPrintAa
09:27 07/11/2012

* ASEAN ra nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông

Từ ngày 9 đến ngày 13/7/2012, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên dưới sự chủ trì của Campuchia, nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên. Song lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng của Khối kết thúc mà không ra được Thông cáo chung. Tuy nhiên, ngày 20/7, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, đại diện nước chủ nhà hội nghị ngoại trưởng ASEAN vừa rồi, công bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông". Bộ nguyên tắc yêu cầu các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông 2002; hướng dẫn thực hiện DOC 2011; sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông; tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên; và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.

Thông báo trên nhấn mạnh rằng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN "quyết tâm tăng cường tham vấn trong khối nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á 1976 và Hiến chương ASEAN 2008". Theo ông Hor Namhong, đây là kết quả của cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng ASEAN sau chuyến thăm ngắn ngày của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa với những người đồng cấp trong khu vực ASEAN. Trong khuôn khổ chuyến công du, Ngoại trưởng Natalegawa đã có các cuộc gặp trực tiếp với ngoại trưởng Philipines, Việt Nam và Campuchia, để thống nhất nguyên tắc chung về vấn đề này. Với tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm này, các nước ASEAN muốn thể hiện tiếp tục đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

* Hội nghị thị trưởng châu Á - Thái Bình Dương về đô thị bền vững

Từ ngày 9 đến ngày 12/7/2012, Hội nghị đã diễn ra tại thành phố cảng Surabaya thuộc tỉnh Đông Java (Indonesia). Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu là thị trưởng, quan chức chính quyền phụ trách lĩnh vực môi trường và quy hoạch của các thành phố lớn ở châu Á- Thái Bình Dương. Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố xanh, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thành phố, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo cũng như các cơ quan trong mục tiêu xây dựng các thành phố xanh hơn và sạch hơn.

* Nga chính thức gia nhập WTO

Ngày 10/7/2012, với 238 phiếu thuận, 201 phiếu chống và một phiếu trắng, Duma Quốc gia (Hạ viện), Nga đã nhất trí thông qua Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được ký kết ngày 16-12-2011 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 18 năm đầy chông gai của Nga. Kết quả bỏ phiếu trên tại Hạ viện Nga đã đánh dấu việc Nga - quốc gia lớn nhất thế giới này chính thức gia nhập “sân chơi” thương mại lớn nhất hành tinh. Theo Nghị định thư này, Moscow buộc phải giảm thuế nhập khẩu và mở cửa các ngành mũi nhọn của nền kinh tế nước này cho giới đầu tư nước ngoài. Theo luật pháp Nga - nền kinh tế lớn thứ chín trên thế giới với trị giá 1.900 tỉ USD, nước này sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO sau 30 ngày, kể từ thời điểm Nghị định thư trên được Duma Quốc gia thông qua.

* Khủng hoảng ở Eurozone sang giai đoạn nguy hiểm

Do dấu hiệu căng thẳng trong các thị trường tài chính lên đến mức độ gay gắt mới, ngày 18/7 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Để ổn định liên minh tiền tệ này nhằm đối phó khủng hoảng, các nước thành viên cần phải hành động quyết định trong việc thiết lập các liên minh tài chính và ngân hàng. Trong đánh giá mới nhất về phát triển kinh tế của Eurozone, IMF nhấn mạnh cần thúc đẩy liên minh ngân hàng và hòa nhập tài chính lớn hơn để bảo vệ sự sống còn của liên minh tiền tệ này. Chính sách tiền tệ cần hỗ trợ các nhu cầu nhưng cải tổ cơ cấu mới là nhân tố thiết yếu để tăng trưởng dài hạn. Mahmood Pradhan, Phó Giám đốc IMF phụ trách châu Âu, cho rằng ưu tiên hiện nay của Eurozone là thiết lập liên minh ngân hàng và thúc đẩy nhịp độ hòa nhập tài chính để ngăn chặn suy giảm lòng tin đang lan rộng trong khu vực, giảm chi phí vay nợ cho các nước đang chịu sức ép thị trường nghiêm trọng đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm căng thẳng tài chính toàn khu vực. Các quan hệ bất lợi giữa nợ công, ngân hàng và nền kinh tế thực đã tăng đến mức kỷ lục khiến các thị trường tài chính tan vỡ ở nhiều nước.

Để ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế, các nhà hoạch định chính sách Eurozone đang phải đối mặt với hai thách thức then chốt là chính sách tiền tệ chung cần điều chỉnh thích hợp cho thời kỳ dài hạn trong khi nhu cầu tăng trưởng ở nước này đòi hỏi hỗ trợ từ chính sách tiền tệ chung toàn khu vực và chính sách tài chính của nước khác; các điều chỉnh tài chính nhanh chóng là không thể tránh khỏi ở những nước đang đối mặt với nợ công cao và thâm hụt ngân sách lớn trong khi ở các nước ít bị sức ép này lại cần điều chỉnh tài chính với nhịp độ chậm hơn. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Eurozone được dự báo giảm 0,3% trong năm nay và 0,9% trong năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng trên toàn khu vực từ mức 5% ở Đức tới 24% ở Tây Ban nha trong năm nay.

* Số người chết do mưa lớn tại Bắc Kinh lên tới 37

Trận mưa lớn, bắt đầu từ chiều 21/7 và kéo dài đến sáng rạng sáng 22/7, đã gây ngập úng cho nhiều tuyến phố. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho hay ít nhất 37 người đã thiệt mạng, trong đó 25 người bị chết đuối, 6 người chết do nhà sập, 5 người bị điện giật và 1 người bị sét đánh. Hơn 500 chuyến bay đã bị huỷ tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh, tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết.  Hệ thống tàu điện ngầm phần lớn không bị ảnh hưởng do lũ lụt nhưng bị quá tải do số lượng hành khách tăng vọt khi mọi người không thể sử dụng các phương tiện khác như ô tô, xe buýt và taxi để trở về nhà. Thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận lượng mưa trung bình 170mm, nhưng một thị trấn ở quận Phòng Sơn thuộc ngoại ô thủ đô có lượng mưa lên tới 460mm. Đây là trận mưa lớn nhất tại Bắc Kinh kể từ năm 1951.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết giới chức đang nỗ lực để đưa thủ đô trở lại bình thường và cảnh báo mọi người chuẩn bị cho tình trạng thời tiết xấu tiếp diễn. “Các chuyên gia dự báo thời tiết cho hay từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 9, Bắc Kinh dễ xảy ra lũ lụt và có khả năng còn xảy ra các trận mưa lớn hoặc thời tiết khắc nghiệt”, chính quyền thành phố cảnh báo.

* Nga sẽ khởi tố hai thuyền trưởng Trung Quốc

Interfax dẫn tin từ Văn phòng báo chí Cục an ninh Liên bang Nga (FSB), thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng lãnh hải Nga, cho biết các thủ tục pháp lý đã được tiến hành để khởi tố hai thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc về tội đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Hai người bị khởi tố là Trương Tân Kỳ, thuyền trưởng tàu cá Chiết Đài Ngư 8695 và Khâu Hiểu Minh, thuyền trưởng tàu Lỗ Vinh Ngư 80-117. Trước đó, theo xác nhận của lãnh sứ quán Trung Quốc tại Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, hai tàu cá từ tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, đã bị phía Nga bắt giữ lần lượt vào các ngày 16 và 17/7. Một tàu chở 19 ngư dân và tàu kia chở 17 người. Lực lượng tuần duyên Nga trước đó đã nổ súng để chặn một tàu cá. Nga cho rằng các ngư dân trên tàu đánh bắt mực trái phép. Phía Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình với hành động mà nước này cho là Nga "tấn công" tàu cá của mình. Trung Quốc đã triệu tập đại diện ngoại giao Nga và yêu cầu nước này thả các tàu cá, nhanh chóng trả tự do cho các ngư dân và nỗ lực tìm kiếm một thủy thủ bị mất tích ở bờ biển phía đông của Nga trong vụ va chạm trên. Hôm 20/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cam kết sẽ giải quyết tranh cãi với Trung Quốc thông qua cơ chế song phương. Ông Lukashevich nhấn mạnh đây là một vụ việc thông thường. Nga và Trung Quốc có tất cả những cơ chế song phương để giải quyết mọi tranh cãi và vụ việc lần này cũng tương tự.

TH


    Ý kiến bạn đọc