Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn trong giai đoạn hiện nay
EmailPrintAa
10:26 07/11/2012

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Quyết định số 100-QĐ/TW, ngày 03/6/1995 của Ban Bí thư Trung ương, hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh ta đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, cán bộ các tổ chức đoàn thể quần chúng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị trong tình hình mới, ngày 20/11/2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại trường Chính trị Trần Phú và TTBDCT  các huyện, thành phố, thị xã”. Trong những năm qua, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo quy định của Trung ương, tỉnh và cấp ủy huyện, đẩy mạnh việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, góp một phần đáng kể vào việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Tuy nhiên so với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt để thực hiện nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn nhiều hạn chế, chất lượng và hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp là làm thế nào để trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngang tầm nhiệm vụ, thực sự là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đứng trước thực tế đó, được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu Đề án nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tình hình mới, nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động các trung tâm theo nội dung quyết định 100-QĐ/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, đề ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện, cụ thể là: Đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm; Củng cố, xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; đổi mới công tác quản lý điều hành của trung tâm; Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện phục vụ cho giảng dạy và học tập; Thực hiện chế độ chính sách cho công tác giáo dục lý luận chính trị tại trung tâm; Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, mối quan hệ của các ban, ngành đoàn thể đối với trung tâm. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình hiện nay; Đẩy mạnh xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn cấp tỉnh.

Để đề án sớm được thực hiện, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tình hình mới, trực tiếp công nhận danh hiệu trung tâm bồi dưỡng chính trị đạt chuẩn cấp tỉnh và sớm xây dựng “Quy chế công nhận TTBDCT cấp huyện đạt chuẩn” trong từng giai đoạn phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh nhà.

Một trung tâm đạt chuẩn cấp tỉnh cần phải đạt 6 tiêu chí về: Tổ chức bộ máy; Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; Chất lượng giáo dục và đào tạo bồi dưỡng; Cơ sở vật chất trang thiết bị; Công tác xã hội hóa và lưu trữ hồ sơ, sổ sách… Xây dựng trung tâm đạt chuẩn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian vừa qua. Để nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tình hình mới, thiết nghĩ cần bắt đầu từ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Có cơ chế phối hợp bảo đảm tập trung đầu tư cho hoạt động hệ thống trung tâm cấp huyện. Làm thế nào đưa Trung tâm về thành một đơn vị trực thuộc huyện ủy như các ban đảng, thống nhất về con dấu và chế độ cho cán bộ, công nhân viên; đồng thời cần đổi mới nội dung, chương trình tài liệu giáo dục, bổ sung và biên soạn mới chương trình, tài liệu môn học theo tinh thần và nội dung nghị quyết của Đảng trong từng thời kỳ, gắn với sự phát triển mới về lý luận và thực tiễn của nước ta cũng như của từng địa phương, đơn vị; biên soạn lại nội dung chương trình sơ cấp lý luận chính trị; thống nhất mẫu văn bằng chứng chỉ. Có cơ chế quản lý đồng bộ, chính sách đãi ngộ phù hợp người dạy và người học, đồng thời xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chất lượng cao, xứng đáng nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn trong giai đoạn hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc