Người thanh niên biến khát khao đổi đời trên đất cát thành hiện thực
EmailPrintAa
16:39 07/11/2012

Vượt lên gian khó..

Trong khi nhiều lao động ở lứa tuổi thanh niên phải rời quê đi tìm việc làm ở các thành phố lớn thì anh Nguyễn Duy Hoàng - xã Thạch Kênh, Thạch Hà lại chọn cho mình một hướng lập nghiệp vững chắc ngay tại chính đồng đất quê hương. Anh là người đoàn viên đầu tiên người đảng viên trẻ ở xã Thạch Kênh đã biết biến khát khao đổi đời trên đất cát hoang hóa bạc màu thành hiện thực. Sinh năm 1982 tại xã Thạch Kênh - Thạch Hà, còn nhớ, cách đây 10 năm, cũng như bao cô cậu học trò cùng trang lứa sau khi tốt nghiệp THPT đều mong muốn được bước vào giảng đường Đại học. Nhưng trớ trêu thay, trên đường đi thi, Hoàng nhận được hung tin người bố thân yêu của mình qua đời vì một tai nạn. Là anh cả trong một gia cảnh khó khăn, đông anh em, Hoàng đành gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học, ở lại quê hương lập nghiệp.

Thạch Kênh là xã nằm ở hạ lưu ngã ba Sông Già, đất ở đây phèn chua, địa hình trũng và bao bọc xung quanh là các con sông lạch nhỏ. Toàn xã có 990,92 ha đất tự nhiên, đất ao hồ mặt nước là 500 ha nhưng mới sử dụng 150 ha… vẫn còn 250 ha hoang hóa. Kể từ khi đập Yên Vũ và cống ngăn mặn được xây đã cải tạo được vùng đầm phá thành khu nuôi tôm quảng canh do nhân dân trong vùng đấu thầu. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Chứng kiến điệp khúc người dân quê phải bỏ ruộng, bỏ đất đi làm nghề khác để trang trải cuộc sống khi tiềm năng đất đai chưa được khai thác và phát huy hiệu quả càng khiến anh trăn trở với ý tưởng và khao khát phải làm một điều đó ngay trên mảnh đất này.

Biến ý tưởng, khao khát làm giàu chính đáng thành hiện thực

Ý tưởng và niềm tin vào sự đổi đời đã nâng cánh cho chàng trai trẻ con đường ngắn hơn để đến với giấc mơ làm giàu. Từ hai bàn tay trắng, anh tự học hỏi mày mò những người đi trước, các mô hình trong và ngoài huyện, qua sách vở về kiến thức nuôi trồng thủy sản (NTTS), niềm đam mê cộng với tố chất của một người sinh ra từ ruộng lúa bờ khoai, anh duy rất nhanh về phương thức làm kinh tế. Ban đầu chưa có vốn, từ sự chắt bóp của gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè và thông qua tổ chức đoàn thanh niên, anh đã dần tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng CSXH huyện. Năm 2007, được sự hỗ trợ của chính quyền, anh đứng ra đấu thầu 2ha đất mặt nước tại thôn Thượng Nguyên và quyết định bỏ hết vốn liếng vào nuôi tôm. Đây một vùng đất rất thuận lợi cho NTTS tuy nhiên do kinh nghiệm chưa có nên những vụ tôm đầu, may mắn đã không mỉm cười với anh, đến mùa thu hoạch, tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Không từ bỏ mục đích, những vụ tôm sau, anh thận trọng từ khâu thả giống, theo dõi diễn biến từng thời kỳ sinh trưởng cho đến khi thu hoạch… nên cuối cùng đã thành công. Khi đã bắt đầu tích lũy được chút vốn, năm 2009, anh thành lập Hợp tác NTTS Hoàng Kiên và đấu thầu lại một số diện tích đất của các hộ khác để mở rộng 6 ao nuôi cá nước ngọt với quy mô 15 ha, xây dựng khu lán trại 200m2  với 4.000 con gà, vịt đẻ. Tuy nhiên, con đường dẫn tới thành công không hề bằng phẳng và suôn sẻ, công cải tạo đắp ao hồ, bờ bao bị cơn lũ lịch sử 2010 xóa trắng, vốn liếng sức lực bỏ ra bao năm bỗng chốc đổ xuống sông, xuống biển. Quy luật nghiệt ngã của trời đất lại thử thách anh lần nữa. Gánh nặng tiền gốc, tiền lãi cho ngân hàng và tâm lí chán nản đè nặng khiến bao lần định bỏ cuộc nhưng nhìn những đồng đất mênh mông hoang phí lại một lần nữa thôi thúc anh vượt lên. Từ sự giúp đỡ động viên của bạn bè, gia đình, đặc biệt là sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền nên cuối cùng anh cũng xoay xở được một ít vốn để làm lại từ đầu. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh đào ao, đắp bờ bao, trồng cây chắn gió, xây dựng lại lán trại kiên cố và đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng. Quả là “có sức người sỏi đá cũng thành công”, sau nhiều năm, vùng  đất  hoang  hóa,  thiếu nước trước đây đã trở nên trù phú. Nhìn cơ ngơi mà anh tạo dựng được hôm nay với tổng diện tích 16,5ha, trong đó gần 1 ha lúa đã lên màu xanh tốt, 7 ao nuôi với các loại cá trắm, quả, chép, đang gần bước vào mùa thu hoạch, hàng chục con lợn rừng, 1,5 ha keo lá tràm đã được 3 năm tuổi. Thú vị hơn nữa trên vùng đất trũng sâu 2 ha, anh đã  mạnh  dạn  trồng  sen  và thả nước ngọt. Trồng sen để bán hoa và gương cũng là một sáng tạo trong tư duy làm kinh tế chưa phổ biến ở nhiều địa phương. Vào độ y, cứ một búp 1 gương sen với giá 3.000đ thì hồ sen của anh có  thể  mang  về  hàng  chục triệu đồng. Trồng sen không chỉ là thú vui tao nhã, cải tạo môi trường trong lành mà còn mang  lại  hiệu  quả  kinh  tế. Tính chung, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng (trong đó thu từ cá đã chiếm hơn một nữa), giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, vào lúc thời vụ lên tới 30-40 người. Sắp tới, anh sẽ xây dựng hệ thống chuồng trại và sẽ liên kết với công ty KS&TM Hà Tĩnh để nhận nuôi lợn gia công với quy  mô  500  con.  Mặc  dầu gặp  khó  khăn  về  vốn  song nuôi lợn gia công vừa có thu nhập vừa giải quyết được vấn đề thức ăn cho cá. Không chỉ chăm lo tìm hướng làm giàu cho bản thân, trong vai trò là phó  chủ  nhiệm  CLB  thanh niên làm kinh tế của xã Thạch Kênh với 20 thành viên, lại một cán bộ pháp của xã, Hoàng thường xuyên tìm hiểu cập nhật các kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như tiếp cận với các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, cung cấp những thông tin mới về các chủ trương, chính sách của cấp trên tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên khác. Bởi thế, phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên ở Thạch Kênh phát triển mạnh, đến nay đã có khoảng 50 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

So với tiềm năng những gì chưa làm được trên vùng đất cát, Hoàng vẫn băn khoăn bởi rất nhiều cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn ra đời trên địa bàn tỉnh, huyện nhưng có những chính sách mà không chỉ mô hình của Hoàng mà nhiều mô hình vừa và nhỏ khác chưa thể với tới vì quy mô, điều kiện chưa đảm bảo. Trình độ, hiểu biết của người dân còn hạn chế trong khi quy trình, thủ tục hồ sơ để được xét hỗ trợ khá chặt chẽ, phức tạp cũng là một lực cản đối với người trực tiếp sản xuất. Chia sẻ với niềm trăn trở ấy, mong rằng, những cơ chế, chính sách về nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất trên địa bàn tỉnh ta sát hơn và tính đến từng điều kiện cụ thể để khuyến khích, động viên các mô hình kinh tế như mô hình của anh Nguyễn Duy Hoàng khẳng định được hướng đi bền vững trong tương lai


    Ý kiến bạn đọc