Tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra của Đảng và Thanh tra Nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
EmailPrintAa
16:27 07/11/2012

Mục đích của việc phối hợp giữa thanh tra nhà nước với uỷ ban kiểm tra các cấp trong xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhằm: đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; góp phần giải quyết nhanh chóng các trường hợp khiếu nại, tố cáo không đúng qui định, gây phức tạp tình hình, tốn phí thời gian, tiền của của nhân dân và các cơ quan nhà nước, các tổ chức đảng…

Đồng thời, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tạo cơ chế phối hợp xử lý công việc giữa uỷ ban kiểm tra và thanh tra nhà nước các cấp kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao; nâng cao trình độ nhận thức và kinh nghiệm công tác kiểm tra của Đảng, công tác thanh tra của Nhà nước…

Nghị  quyết  Đại  hội  XI của Đảng đã chỉ rõ: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi quan”. Thời gian qua, sự phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra Đảng và thanh tra Nhà nước trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tiến hành ở các cấp, đem lại một số hiệu quả thiết thực, tuy vậy kết quả đó vẫn chưa đồng đều, thường xuyên. Ở một số nơi, cấp ủy đã ban hành quy chế phối hợp giữa hai bên nhưng khi tổ chức thực hiện nhiều nội dung phối hợp chưa chặt chẽ, kết quả còn hạn chế. Việc cung cấp, trao đổi thông tin, cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, xác minh các nội dung tố cáo còn thụ động. Đáng chú ý, việc phối hợp thẩm tra, xác minh, giải quyết tố cáo đối với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế nêu trên cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, làm cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra cấp trên mất nhiều thời gian trong việc tiếp nhận, phân loại và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo cho cấp có thẩm quyền giải quyết, ảnh hưởng tới thời gian, lực lượng giải quyết những công việc có tính cấp bách, chiến lược lâu dài; thậm chí để cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu lầm thủ tục hành chính, quy trình giải quyết phức tạp qua nhiều tầng, nhiều nấc, gây phiền hà.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để khắc phục, ngăn chặn tình trạng trên, tạo cơ chế giải quyết phù hợp, hiệu quả, đúng chức năng giữa thanh tra Nhà nước với uỷ ban kiểm tra các cấp. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Thứ  nhất,  tiếp  tục  quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên,  công  chức,  viên  chức của  ngành  về  vai  trò,  tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình hiện nay và công tác phối hợp giữa 2 ngành; phải thống nhất xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị ; Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền trong hoạt động chuyên môn của từng ngành nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng; Thứ  ba,  luôn  giữ  vững đảm bảo nguyên tắc phối hợp trên sở Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng; bám sát và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi quan đã được Điều lệ Đảng, Luật Thanh tra quy định để phối hợp thực hiện. Thứ tư, các tổ chức đảng có  thẩm  quyền  cần  nghiên cứu và ban hành quy chế phối hợp chung làm cơ sở cho việc phối hợp hoạt động giữa hai ngành, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể từng đơn vị theo từng năm, từng quý để đảm bảo hiệu quả của việc phối hợp. Thứ năm, Thanh tra Nhà nước và Ủy kiểm tra Đảng các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể và chức năng, nhiệm vụ của mình để để thực hiện tốt các nội dung sau:

Đối với Thanh tra Nhà nước các cấp; quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Nếu thấy đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo thuộc chức năng, thẩm quyền giải quyết của cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra các cấp thì phải làm thủ tục chuyển cho cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết và theo dõi kết quả giải quyết. Nếu thấy nội dung có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban kiểm tra thì Thanh tra nhà nước kịp thời thông báo cho cấp Uỷ ban kiểm tra có chức năng để phối hợp giải quyết. Nếu vụ việc chủ yếu thuộc chức năng của Thanh tra nhà nước giải quyết thì Thanh tra nhà nước chủ trì, Uỷ ban kiểm tra phối hợp thực hiện và ngược lại; Thanh tra nhà nước thông báo cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết để theo dõi kết quả xử lý.

Đối với Uỷ ban kiểm tra các cấp: trình tự, thủ tục xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy trình công tác kiểm tra của Đảng và cơ chế phối hợp tương tự như đối với Thanh tra nhà nước nói trên. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết nếu thấy vụ việc phức tạp, cần đề nghị Thanh tra nhà nước phối hợp cử cán bộ tham gia giải quyết. Cán bộ Thanh tra nhà nước tham gia giải quyết phải chấp hành nghiêm yêu cầu của Uỷ ban kiểm tra về giữ bí mật nội dung giải quyết.

Trong quá trình thực hiện, hai quan phải chú ý tránh các biểu hiện thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy.

Thứ sáu, định kỳ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác phối hợp, nhằm rút ra bài học, phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo.


    Ý kiến bạn đọc